Theo tạp chí Economist (Anh), thật là nghịch lý, nhưng năm 2020 lại là thời điểm tốt mà các nhà kinh tế học gọi là "hội tụ tiến hóa", mô tả việc các nền kinh tế nghèo phát triển nhanh hơn các nền kinh tế giàu, khoảng cách thu nhập được thu hẹp.
Tuy nhiên, năm nay sẽ hơi khác biệt một chút. Rất ít nền kinh tế mới nổi phát triển, nhưng bởi vì các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái nhanh hơn, nên khoảng cách giữa các nền kinh tế đang phát triển với các nền kinh tế phát triển vẫn được thu hẹp. Trong đại dịch, "vòng nguyệt quế" sẽ thuộc về nước nào giảm tốc ít nhất.
Thời điểm gần nhất tồn tại một khoảng cách tăng trưởng thu hẹp đáng chú ý như vậy giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi là vào năm 2013. Đó là năm mà các thị trường mới nổi bán tháo do lo ngại Mỹ sẽ giảm tốc chương trình nới lỏng tiền tệ.
Năm 2013 cũng đánh dấu sự kết thúc của một thập kỷ lạc quan của các thị trường mới nổi. Biểu tượng của giai đoạn này là sự nhiệt tình dành cho “BRIC” - một từ viết tắt do ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dùng để gọi bốn thị trường mới nổi đông dân nhất là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ý tưởng rằng các nền kinh tế “lạc hậu” có thể tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế trưởng thành lần đầu tiên được các nhà sử học kinh tế như Alexander Gerschenkron nêu ra trong thập niên 1950 và Moses Abramovitz trong thập niên 1970. Ý kiến này dựa trên giả định rằng việc bắt chước dễ hơn đổi mới và lợi tức đầu tư cao ở những nơi khan hiếm vốn.
Bằng chứng cho sự tăng trưởng nhanh hơn đã yếu đi trong khoảng thời gian từ những năm 1970 đến đầu những năm 1990, nhưng từ sau đó ý tưởng này đã trở nên mạnh mẽ hơn.
Khi đưa ra dự đoán của mình về BRIC, Goldman Sachs đã dựa trên một luận điểm thận trọng được gọi là sự tiến hóa hội tụ "có điều kiện." Nói một cách đơn giản, các nước nghèo sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu nếu cùng có những yếu tố tương tự nhau. Những yếu tố này, theo Goldman Sachs, bao gồm trình độ học vấn của một quốc gia, sự cởi mở đối với thương mại, sự phổ cập của Internet và 10 đặc điểm khác.
[Thị trường tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi - điểm bất ổn mới?]
Giới học thuật thậm chí còn liệt kê rộng hơn. Theo Steven Durlauf (Đại học Chicago), Paul Johnson (Đại học Vassar) và nhà kinh tế học tự do Jonathan Temple, các nhà nghiên cứu đã xác định được 145 yếu tố chính cần phải tính đến. Danh sách này bao gồm mọi thứ, từ lạm phát và đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tôn giáo, thời tiết và lượng độc giả báo chí…
Goldman Sachs cho rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ bắt kịp trong lĩnh vực năng suất mà Mỹ là ví dụ điển hình. Nhưng nhiều nền kinh tế dường như không hướng tới vị trí lãnh đạo toàn cầu mà hướng tới vị trí lãnh đạo các nước láng giềng hoặc các nước tương đương mình.
Một số ví dụ điển hình về sự tiến hóa hội tụ ở ngay bên trong các quốc gia hoặc khối kinh tế. Các tỉnh nghèo của Nhật Bản có xu hướng bắt kịp những tỉnh giàu hơn, tương tự như các tỉnh của Canada, các bang của Ấn Độ và các khu vực ở châu Âu.
Nếu sự hội tụ lực lượng diễn ra trong các khối này, sẽ là hợp lý để đặt câu hỏi là các kiểu tập hợp thành nhóm khác có tồn tại hay không. Liệu có bất kỳ “câu lạc bộ” tiến hóa hội tụ nào khác, giàu hay nghèo, các thành viên cũng quy tụ lại với nhau không?
Trong một cuốn sách mới mang tên “Năng suất toàn cầu: Xu hướng, động lực và chính sách,” Ngân hàng Thế giới (WB) đã sử dụng một thuật toán để sắp xếp nhiều khối liên minh các quốc gia, tìm kiếm các nhóm dường như sẽ hội tụ với nhau.
Dựa trên năng suất của 97 nền kinh tế kể từ năm 2000, WB xác định năm nhóm nước. Ba nhóm “buồn nhất” bao gồm các nước khá nghèo. Nhóm thứ tư gồm một số nền kinh lớn có tiềm năng như Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico và Nam Phi.
Nhóm thành công nhất bao gồm tất cả các nền kinh tế phát triển cũng như 16 thị trường mới nổi hiện nay, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Những thành viên nghèo hơn có xu hướng phát triển nhanh hơn những thành viên giàu có, với tốc độ có thể làm khoảng cách năng suất giảm một nửa sau mỗi 48 năm.
Điều gì giải thích các lực hướng tâm này? Không phải là yếu tố gần gũi về địa lý, vì các quốc gia này trải dài từ Myanmar và Canada đến Phần Lan và Chile. Nhiều thành viên có mức đầu tư và thương mại ấn tượng, nhưng những thành viên khác trong nhóm lại thấp hơn. Trình độ giáo dục và hiệu quả quản trị tạo ra sự khác biệt lớn hơn, ít nhất là khi bắt đầu giai đoạn “đuổi bắt.”
Hầu hết các thành viên của nhóm đầu cũng thực hiện tốt trên thước đo “độ phức tạp” về kinh tế do Giáo sư Ricardo Hausmann của trường Đại học Harvard và César Hidalgo của Viện Công nghệ Massachusetts phát triển.
Các quốc gia đạt điểm cao nếu xuất khẩu của họ vừa phong phú và riêng biệt, gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau mà ít quốc gia khác có.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Chile thuộc nhóm đứng đầu, nhưng có vẻ như không có sự phức tạp về mặt kinh tế. Có thể là do các mặt hàng xuất khẩu của nước này (đồng, cá hồi, trái cây) trông đơn giản nhưng được sản xuất, phân biệt và đóng gói theo những cách phức tạp.
Ví dụ, những quả anh đào tròn đỏ của nước này được lựa chọn cẩn thận để xuất khẩu sang Trung Quốc làm biểu tượng cho sự xa xỉ.
Các tác giả của cuốn sách của WB lo lắng rằng đại dịch COVID-19 sẽ kìm hãm đầu tư, rút ngắn chuỗi cung ứng và nuôi dưỡng sự hẹp hòi ích kỷ, tất cả những yếu tố có thể cản trở sự tiến hóa hội tụ.
Nhưng họ cũng lưu ý một số điểm hữu ích tiềm tàng. Chẳng hạn, các khủng hoảng có thể kích thích cải cách cơ cấu; việc thiếu kinh phí bảo dưỡng trong những thời kỳ đen tối có thể thúc đẩy sự thay thế các máy móc đó bằng các công nghệ mới hơn trong quá trình phục hồi.
Những người tiên phong về học thuyết tiến hóa hội tụ hiểu rằng một quốc gia không thể khai thác triệt để những tiến bộ công nghiệp nếu chỉ bám vào các mô hình sản xuất và tiêu dùng theo tập quán, cái mà nhà xã hội học Thorstein Veblen gọi là “kế hoạch phổ biến của sử dụng và không sử dụng.”
Vì lý do này, Abramovitz tin rằng chiến tranh và biến động chính trị có thể là “kinh nghiệm mở đường cho những con người mới, tổ chức mới và phương thức hoạt động mới”./.