Các nền kinh tế mới nổi tăng góp tài chính cho LHQ

Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác đã nhất trí đóng góp tài chính nhiều hơn cho ngân sách hoạt động của LHQ.
Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác đã nhất trí đóng góp tài chính nhiều hơn cho ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc, trong bối cảnh tổ chức này đang phải tìm cách đạt được một thỏa thuận ngân sách mới trong tuần này để tránh va vào "vách đá tài chính" và nhiều nước châu Âu đang bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng như Anh, Đức, Pháp cùng Nhật Bản buộc phải cắt giảm phần lớn mức đóng góp của họ.

Theo nguồn tin ngoại giao từ Liên hợp quốc ngày 25/12, ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2012-2013 là khoảng 5,4 tỷ USD. Hiện Mỹ vẫn là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên hợp quốc, chiếm 22%.

Trung Quốc sẽ tăng mức đóng góp của mình cho Liên hợp quốc từ mức chiếm 3,2% lên 5,1% ngân sách của tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này, vượt Canada và Italy để trở thành nước đóng góp tài chính lớn thứ sáu cho Liên hợp quốc.

Brazil đã đồng ý tăng mức đóng góp trong toàn bộ ngân sách lên 2,9% thay vì mức cũ 1,6%. Ấn Độ có mức tăng khiêm tốn từ 0,5% lên 0,66%.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Đức... đều tuyên bố giảm phần đóng góp cho Liên hợp quốc. Cụ thể, mức đóng góp của Nhật Bản sẽ giảm từ 12,5% xuống còn 10,8% ngân sách của Liên hợp quốc, Đức giảm từ 8,0% xuống còn 7,1%; Pháp từ 6,1% xuống còn 5,18%.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã buộc Liên hợp quốc phải xem xét lại ngân sách hoạt động và các nước cân nhắc các mức đóng góp phù hợp với thực lực kinh tế của mình. Ngân sách của Liên hợp quốc không bao gồm chi phí cho các hoạt động gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới, vốn ước tính lên tới khoảng 7,5 tỷ USD/năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục