Các nền kinh tế biển đảo TBD tăng trưởng 7,3%

Theo Ngân hàng ADB, trong năm 2012 các nền kinh tế biển đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương đã tăng trưởng chậm lại còn 7,3%
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong năm 2012 các nền kinh tế biển đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương đã tăng trưởng chậm lại còn 7,3%, so với con số tăng 8,3% trong năm 2011, do tốc độ tăng trưởng tại các quốc gia dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên như Papua New Guinea và Timor Leste giảm sút.

 Song, ADB nhấn mạnh hai nền kinh tế này sẽ vẫn dẫn đầu khu vực về đà tăng trưởng.

Định chế tài chính có trụ sở tại Manila (Philippines) nói trên cho biết Papua New Guinea là một trong những quốc gia có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao nhất tại châu Á-Thái Bình Dương, với GDP tăng 9,2% trong năm 2012.

Kết quả này có được là Papua New Guinea phát triển mạnh lĩnh vực xây dựng, giao thông, tài chính, bán lẻ, khôi phục ngành khai mỏ, thực hiện dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng - việc giúp thúc đẩy tiêu dùng và tăng chi tiêu chính phủ.

Tuy nhiên, sản lượng dầu mỏ giảm sút và sản xuất nông nghiệp thu hẹp đã kiềm chế bớt đà tăng trưởng của quốc gia này.

Trong khi đó, trong năm 2012, kinh tế Timor Leste tăng trưởng tới 10,6%, nhờ chi tiêu chính phủ tăng cao hơn. Bên cạnh đó, vụ càphê bội thu đã giúp tăng lĩnh vực xuất khẩu phi dầu mỏ tăng 10,9%. Song doanh thu từ dầu mỏ lại giảm.

ADB còn cho biết các nền kinh tế khác tại Thái Bình Dương có mức tăng trưởng giảm sút. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu gỗ giảm đã tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng tại Quần đảo Salomon.

Các nước như Kiribati, Liên bang Micronesia, Samoa và Tonga lại bị ảnh hưởng bởi sự thu hẹp của các dự án xây dựng công.

Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch vẫn tiếp tục khởi sắc tại một số nền kinh tế như Đảo Cook, Vanuatu, với lượng du khách từ Australia, New Zealand và Đông Á tăng cao.

ADB dự đoán trong năm 2013 nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương sẽ chỉ tăng trưởng 5,2%, trong bối cảnh sự hoàn thành của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, đặc biệt là đường ống LNG tại Papua New Guinea, sẽ làm giảm đà tăng trưởng của ngành xây dựng, giao thông và làm nhu cầu nội địa yếu đi.

Trong khi thiệt hại do cơn lốc Evan dự kiến sẽ đè nặng lên đà tăng trưởng trong năm 2013 của Fiji and Samoa. /.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục