Các món ăn chế biến từ trái vả - đặc sản ẩm thực đất Cố đô

Các món ăn được chế biến từ trái vả - top 50 món ăn đặc sản Việt Nam- đã dần khẳng định được thương hiệu đối với người dân Huế và nhiều du khách.
Vả được trồng nhiều trong vườn dân ở vùng bãi bồi Nguyệt Biều, thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Trái vả ở Huế đã lọt vào top 50 món ăn đặc sản Việt Nam lần thứ 3 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố. Các món ăn được chế biến từ trái vả đã dần khẳng định được thương hiệu đối với người dân Huế và nhiều du khách.

Cây vả cùng họ với cây sung. Cây vả được trồng nhiều ở tỉnh Thừa Thiên-Huế và là món ăn dân dã của người dân Huế.

Quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Bên trong quả có lớp cơm màu trắng - đó là phần được dùng để chế biến thức ăn. Ở Huế, vả được chế biến thành nhiều món ngon như: vả trộn hến, vả trộn tôm xúc bánh đa. Những món ngon dân dã này được nhiều du khách ưa chuộng.

Ở Huế, vả được trồng nhiều ở trong khu vực các ngôi chùa, các nhà miệt vườn Kim Long, Nguyệt Biều.. .

Cây vả dễ trồng, ít cần phân bón và công chăm sóc. Gốc vả rất lớn, cành tỏa rộng che bóng mát cả một khoảng vườn. Lá vả to như lá sen, tán rộng. Trái vả mọc theo thân, cành cây, mọc thành từng chùm, mỗi chùm có hơn cả chục trái xanh tươi, mỗi trái lớn bằng nắm tay, trái vả tròn dẹt, vỏ màu xanh lục có lông tơ mịn màng. Quả vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá.

Mùa vả kéo dài từ tháng 12 năm trước tới tháng 7 năm sau. Các thời gian khác trong năm cây vẫn cho trái rải rác.

Món vả trộn được xem là một trong những đặc sản quý của Huế. Để chế biến các món ăn từ trái vả, người chế biến chọn những trái không quá già, dầm với nước pha một ít muối, vài giọt chanh cho bớt vị chát. Sau đó khứa trái vả từng lát mỏng theo hình tròn. Vào ngày Tết, ở Huế ngoài những món sang trọng như nem, chả, tré… còn có những món ăn dân dã như vả hầm sườn non hoặc giò lợn hoặc sườn là món ăn lợi sữa cho phụ nữ.

[Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Huế]

Để ăn vả trộn ngon, người dùng không cần đũa, chén mà thường bẻ bánh tráng nướng xúc. Cầm miếng bánh tráng mè đã nướng vàng, giòn để xúc vả trộn, cho vào miệng, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị là lạ vừa mặn vừa ngọt, béo bùi... Vị bùi ngọt thơm của vả trộn, bánh tráng, gia vị ở đầu lưỡi tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với thực khách. Từ một món ăn dân dã, trái vả đã chinh phục được sở thích của nhiều người và đã tạo được phong vị riêng cho đất Huế.

Vả được trồng nhiều trong vườn dân ở vùng bãi bồi Nguyệt Biều, thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Theo đông y, quả vả có vị ngọt, có thể chữa được bệnh táo bón, kiết lỵ, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu, tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ và ít năng lượng (100 gam vả khô cho 250kcal).

Không chỉ chế biến trái vả thành một đặc sản ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn du khách, ở Huế còn có một số cơ sở chế biến quả vả thành loại trà độc đáo, đó là trà vả.

Anh Mai Quốc Bảo Khá chủ cơ sở trà vả ở thị trấn Phú Lộc cho biết, hiện cơ sở của anh đủ năng lực bao tiêu đầu ra trái vả cho cả vùng Phú Lộc, với bình quân mức thu mua mỗi ngày trên 100 kg vả tươi.

Trà vả không dùng hương liệu, phụ gia, chất bảo quản (có thể uống kèm với đường phèn, đường cát). Nhiều món ăn được chế biến từ trái vả đã trở thành đặc sản ẩm thực đất Cố đô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục