Khi người dân Nhật gần như cùng lúc phải hứng chịu ba thảm họa – động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân – thì internet, mà cụ thể là các trang mạng xã hội, đã trở thành phương tiện hữu hiệu để hàn gắn những vết thương, nhờ vào những nỗ lực của những người khổng lồ như Google hay Facebook.
Một giáo viên người Anh sống tại thành phố Abiko ở phía Đông Tokyo đã trở thành người đi đầu trong phong trào những blogger tình nguyện, cùng một số nhà văn, biên tập viên tiến hành thu thập những hình ảnh về hậu quả của trận động đất, tập hợp thành sách bán lấy tiền quyên góp, nhằm cứu trợ cho các nạn nhân thảm họa. Toàn bố số tiền thu được từ dự án mang tên “Quakebook” này sẽ được chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản.
Dự án nói trên xuất phát từ một ý tưởng, được nhà giáo 40 tuổi nói trên chia sẻ trên blog Twitter, đúng một tuần sau trận động đất kinh hoàng hom 11/3. Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi đưa ra ý tưởng này, ông đã nhận được rất nhiều các phản hồi, và giờ, cuốn sách ảnh nói trên đã có 98 trang.
Ngoài dự án vừa nêu thì nhà văn Barry Eisler, tác giả của những cuốn tiểu thuyết ăn khách, đã cùng với vợ của huyền thoại âm nhạc quá cố John Lennon, bà Yoko Ono thực hiện một cuốn sách mang tựa đề “2:46: Dư chấn: Những câu chuyện về trận động đất ở Nhật Bản”. Trang thương mại điện tử Amazon.com cùng với hãng Sony đã đồng ý để người đọc được tải cuốn sách điện tử này trên hệ thống của mình.
Một dự án nữa mang tên “1000 thông điệp của thế giới dành cho Nhật Bản” cũng đang được triển khai, thu hút nguồn chất xám trên toàn cầu tham gia. Các nhà văn có thể viết những bài viết ngắn (note) trên Facebook, hoặc gửi email tới địa chỉ của dự án, sau đó các nhóm tình nguyện sẽ dịch sang tiếng Nhật, bản dịch sẽ được đăng lên Twitter cũng như trang chủ của nhóm.
“Tin tức về động đất, sóng thần, thảm họa hạt nhân thật đáng sợ. Nhưng nó cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa Nhật Bản”, một thông điệp trên trang Facebook của dự án viết.
Những dự án kể trên một lần nữa cho thấy vai trò sức mạnh của mạng xã hội trong thời đại ngày nay, khi nó kết nối cả thế giới sau những thảm họa như thế này, hay trước nữa là động đất ở Haiti năm ngoái và New Zealand hồi đầu năm.
Tại Tokyo, người dân lên Twitter để hỏi thăm nhau, tìm kiếm người thân, kết nối với những người trực tiếp trải qua thảm họa, tìm hiểu về tình hình đường xá, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với phóng xạ...
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen thì số lượng người sử dụng Twitter ở Nhật sau động đất đã tăng đột biến, lên tới 7,5 triệu user, gấp ba lần so với tuần trước khi xảy ra thảm họa. Trang chia sẻ video Ustream hay Nico Nico Douga của Nhật cũng tăng gấp đôi lượng người sử dụng, lên tới 1,4 triệu lượt tài khoản, chủ yếu là xem kênh online của đài NHK.
Hiện có tới 3/4 số người sử dụng internet ở Nhật có tài khoản Twitter, và tiểu blog này có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của họ, nhà báo công nghệ nổi tiếng của Nhật, Nobuyuki Hayashi cho biết.
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Cũng từ Twitter mà những tin đồn vô căn cứ được lan đi một cách chóng mặt, gây hoang mang dư luận, nhất là trong thảm họa hạt nhân ở Fukushima./.
Clip về dự án "Thông điệp dành cho Nhật Bản":
|