Các lực lượng Iraq gặp khó khăn tại chiến trường Thành Cổ Mosul

Đà tiến công của các lực lượng Iraq tại khu Thành Cổ của thành phố Mosul đã chậm lại, khi các lực lượng an ninh Iraq và các tay súng của nhóm khủng bố IS có các cuộc giao tranh ác liệt.
Các lực lượng Iraq tiến vào al-Abar, vùng lân cận thành phố Mosul trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố này từ phiến quân IS ngày 13/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 17/4, đà tiến công của các lực lượng Iraq tại khu Thành Cổ của thành phố Mosul đã chậm lại, khi chiến dịch quân sự của các lực lượng Iraq với sự hỗ trợ của Mỹ nhằm tái chiếm Mosul từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bước sang tháng thứ 7.

Giao tranh đã diễn ra ác liệt giữa các lực lượng an ninh Iraq và các tay súng của nhóm khủng bố IS.

Tiếng súng và đạn cối có thể được nghe thấy từ các khu vực đối diện Thành Cổ ở bên kia sông Tigris, con sông chia cắt Mosul thành bờ Đông và bờ Tây.

[Tử chiến ở Mosul, phiến quân IS nã pháo hóa học vào đối phương]

Bạo lực cũng đã gây tổn thất nặng nề cho người dân tại thành phố này. Hàng trăm nghìn dân thường vẫn còn mắc kẹt bên trong thành phố Mosul.

Lực lượng cảnh sát liên bang Iraq đang trải qua trận chiến khó khăn với IS tại Thành Cổ, nơi có mật độ dân số đông đúc. Một phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát Iraq cho biết, quân chính phủ đang tiến gần đến Thánh đường Hồi giáo al-Nuri. Tuy nhiên, đà tiến công đã chậm hơn vì có khoảng 400.000 người, tương đương 25% dân số trước chiến tranh của Mosul, hiện còn mắc kẹt tại những vùng do IS kiểm soát.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, gần nửa triệu dân thường đã sơ tán khỏi Mosul kể từ khi các lực lượng Iraq, với sự hỗ trợ của Mỹ, mở màn chiến dịch quân sự quy mô lớn hồi tháng 10 năm ngoái nhằm giải phóng thành phố Mosul, thành phố lớn thứ hai và là thành trì chủ chốt cuối cùng của nhóm khủng bố IS ở Iraq.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 17/4 cho biết, hơn 493.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Mosul đi lánh nạn, trong khi khoảng 500.000 người khác vẫn còn mắc kẹt tại khu vực Tây Mosul hiện do IS chiếm giữ. Liên hợp quốc cho biết thêm điều kiện cuộc sống của người dân tại Tây Mosul đang rất nghiêm trọng khi nguồn dự trữ lượng thực, thuốc men và nước uống tại đây sắp cạn kiệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục