Các lựa chọn chính sách can thiệp kinh tế của Nam Phi hiện nay

Đại dịch tấn công nền kinh tế Nam Phi vào thời điểm chính phủ nước này đang ở vào thế yếu và khó có thể thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh tài chính nào nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Các lựa chọn chính sách can thiệp kinh tế của Nam Phi hiện nay ảnh 1 Một cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng mg.co.za của Nam Phi ngày 19/7 đăng bài phân tích về những biện pháp can thiệp kinh tế khả thi nhằm giúp Nam Phi vượt qua khủng hoảng COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.

Nội dung bài viết như sau:

Gần 2 tháng kể từ khi Bộ trưởng Tài chính Tito Mboweni trong bài phát biểu về ngân sách trước Quốc hội đã tự tin ví nền kinh tế Nam Phi với "cây nha đam" - một loại cây tồn tại trong điều kiện khô cằn và luôn vươn lên ngay cả khi điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi.

Bộ trưởng Mboweni đã trấn an các nghị sỹ rằng nền kinh tế Nam Phi đã giành chiến thắng trước đó và sẽ một lần nữa vượt qua khó khăn.

Những "cơn lốc" kinh tế liên tiếp

Không lâu sau khi Bộ trưởng Tài chính bước xuống từ bục phát biểu với hình ảnh đầy tính nghệ thuật đó, một loạt các cơn lốc kinh tế đã thổi bay hy vọng nhỏ nhoi về khả năng phục hồi kinh tế của Nam Phi trong ngắn hạn.

Số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 4/2019 cho thấy nền kinh tế Nam Phi rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi sụt giảm trong 2 quý liên tiếp cuối cùng của năm 2019.

[Các ngân hàng Nam Phi đối mặt tỷ lệ nợ xấu cao nhất lịch sử]

Sự tin tưởng vừa mới le lói từ bài phát biểu ngân sách năm 2020 của Bộ trưởng Mboweni đã bị tan biến bởi tình trạng cắt điện luân phiên tiếp tục diễn ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế nước này giảm trong quý cuối cùng của năm 2019.

Đại dịch COVID-19 khiến những rủi ro của suy thoái kinh tế trở nên rõ ràng hơn, với nguy cơ nhấn chìm ngay cả một số nền kinh tế lớn nhất thế giới. COVID-19 sẽ là phép thử axit cuối cùng đối với "biểu tượng sức mạnh cây nha đam" của Bộ trưởng Mboweni.

Đại dịch tấn công nền kinh tế Nam Phi vào thời điểm chính phủ nước này đang ở vào thế yếu và khó có thể thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh tài chính nào nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi, ví dụ như bơm tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy nhu cầu.

Thực tế này đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế Nam Phi có thể vượt qua thử thách và giành chiến thắng một lần nữa hay không?

Chính phủ Nam Phi đang đứng trước những lựa chọn khó khăn liên quan đến việc có nên tưới nước cho "cây nha đam" biểu tượng, hoặc bỏ mặc cho loài cây này phát huy các đặc tính vốn có để tự vượt qua khó khăn.

Các ước tính cho thấy hậu quả tàn khốc do COVID-19 gây ra có thể vượt qua sự tàn phá của khủng hoảng tài chính năm 2008 và thậm chí cả Chiến tranh thế giới thứ hai, nếu tiếp tục duy trì các biện pháp phong tỏa và hạn chế hoạt động thương mại như hiện nay.

Các lựa chọn chính sách can thiệp kinh tế của Nam Phi hiện nay ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoạt động kinh tế - khả năng sản xuất của các công ty, khả năng của các quốc gia để giao dịch và khả năng của con người để làm việc và giao dịch - giữ nhịp vận hành của thế giới.

Nền kinh tế không thể tồn tại nếu các hoạt động kinh tế bị đình trệ. Sớm hay muộn, các công ty sẽ không còn niềm tin để đầu tư và khả năng sản xuất. Người dân sẽ mất kế sinh nhai và chính phủ không thể tăng doanh thu thuế.

Tình thế khó khăn như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có, nảy sinh xung đột và thiệt mạng.

Điều này đặc biệt đúng với châu Phi nơi 80% người dân sống dưới chỉ 5,5 USD/ngày và phần lớn hoạt động ở khu vực phi chính thức. Các hạn chế về việc làm và giao dịch kéo dài sẽ là mối đe dọa sống còn.

Lựa chọn nào cho Nam Phi?

Tình hình hiện nay dường như rất tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới và càng nguy hiểm hơn đối với các nước châu Phi.

Các thị trường chứng khoán đang lao dốc, vốn đang rút dần về nơi trú ẩn an toàn và các đồng nội tệ lao dốc.

Tình hình bấp bênh của các nền kinh tế châu Phi, vốn phụ thuộc vào nợ, nhập khẩu và các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp và du lịch, khiến lục địa này dễ bị tổn thương trước những cơn lốc kinh tế do COVID-19 gây ra.

Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA) đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của châu lục năm 2020 từ 3,2% xuống còn 1,8%.

Sự kết hợp giữa sự mất giá của các đồng nội tệ, dự trữ ngoại hối giảm và lợi suất trái phiếu tăng dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung, giá thực phẩm và vật tư y tế thiết yếu tăng, cũng như nguy cơ vỡ nợ công.

Các lựa chọn chính sách can thiệp kinh tế của Nam Phi hiện nay ảnh 3Người dân nhận thực phẩm và hàng cứu trợ do dịch COVID-19 tại Soweto, tây nam Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình của Nam Phi đang ở trong tình trạng nghiêm trọng, nước này trước đó đã bị hãng Moody’s hạ mức xếp hạng tín dụng xuống cấp không đáng đầu tư (mức "rác") và sau đó hãng Fitch tiếp tục hạ cấp tín dụng đối với các ngân hàng xuống 2 bậc dưới mức đầu tư.

Nam Phi đang ở trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" và tình hình càng khó khăn hơn do sự thiếu hụt năng lượng và cắt điện luân phiên, cũng như các vấn đề kỷ luật tài khóa.

Trước khi COVID-19 bùng phát, nền kinh tế Nam Phi đã ở trong tình trạng khó khăn, nợ ngày càng tăng và tăng trưởng tuột dốc không phanh.

Ngân sách được thông qua tháng 2/2020 không thể kích thích tăng trưởng hay phục hồi nền kinh tế bởi nguồn ngân sách dùng để trả lương hiện chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn lực.

Kinh tế học thông thường cho thấy Chính phủ Nam Phi nên bơm thêm tiền vào nền kinh tế bằng cách tăng chi tiêu hoặc giảm thuế, với giả định ngân sách có sẵn các nguồn lực từ dự trữ, tiết kiệm hoặc đi vay, để sử dụng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua tăng chi tiêu.

Nhưng điều dễ nhận biết từ đệ trình ngân sách tháng 2/2020 là Nam Phi không có đủ nguồn lực để mở rộng tài khóa nhằm khắc phục sự sụt giảm sản lượng thông qua việc vay mượn hoặc chuyển dịch cơ cấu ngân sách.

Thực trạng của hạn chế ngân sách quốc gia trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống Cyril Ramaphosa công bố gói cứu trợ kinh tế rất hạn chế trị giá khoảng 30 triệu USD (500 triệu rand) dành cho các doanh nghiệp nhỏ và một số can thiệp ngoài ngân sách từ các khoản vay mềm (180 triệu USD) của các thể chế tài chính phát triển để giảm thuế và hỗ trợ thanh toán tiền lương cho người lao động có thu nhập thấp thông qua Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (UIF).

Dù đáng ghi nhận nhưng động thái này là không đáng kể nếu so sánh với việc các nước phát triển dành hàng tỷ USD hỗ trợ tình trạng phong tỏa đất nước để đối phó với COVID-19.

Chẳng hạn, Thượng viện Mỹ đã thông qua ngân sách kích thích kinh tế lớn nhất mọi thời đại trị giá 2.000 tỷ USD (gấp 6 lần quy mô của nền kinh tế Nam Phi), trong khi Đức đã phê duyệt gói cứu trợ kinh tế trị giá 814 tỷ USD.

Những can thiệp này gồm việc các chính phủ sẽ bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các khoản vay không lãi suất cho doanh nghiệp, trợ cấp thất nghiệp và thanh toán trực tiếp cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn.

Rõ ràng rằng việc so sánh trên có vẻ không công bằng với Nam Phi, nhưng mức độ can thiệp cho thấy khả năng chịu đựng cú sốc kinh tế không phải là điều kiện duy nhất để phục hồi kinh tế.

Vậy Nam Phi có thể làm được gì tiếp theo? Các lựa chọn của Nam Phi hiện rất hạn chế và nền kinh tế nước này cần sự kích thích để có thể vượt qua tình thế "họa vô đơn chí" hiện nay với sự phức hợp của các yếu kém đã tồn tại dai dẳng trước đó và đại dịch COVID-19.

Việc Nam Phi đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công và có thể làm gián đoạn chương trình cải cách kinh tế của Bộ Tài chính.

Giải pháp sẽ không phụ thuộc nhiều vào phân bổ ngân sách vốn được kỳ vọng nhiều mà ở việc thực thi hiệu quả các chính sách hiện có về giáo dục và phát triển kỹ năng, y tế, công nghiệp hóa, phát triển doanh nghiệp nhỏ, chuyển đổi cơ cấu và tín nhiệm tài khóa.

Không thể có sự tăng trưởng và phục hồi nếu nền tảng cơ bản của sự tăng trưởng đó chưa hiện hữu. Bây giờ là lúc phải nuôi dưỡng "cây nha đam biểu tượng" của Bộ trưởng Tài chính Tito Mboweni./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục