Cộng hòa Cyprus đang đứng trước nguy cơ trải qua đợt mất điện lớn trong ngày 14/2, khi hàng trăm lao động thuộc các công ty điện lực nhà nước dự định đình công nhằm phản đối kế hoạch tư nhân hóa các lĩnh vực viễn thông, điện và cảng biển của chính phủ.
Theo đó, các liên đoàn lao động ngành điện lực sẽ đình công kéo dài 12 giờ tính từ 7 giờ sáng giờ địa phương (5 giờ giờ GMT), khiến việc cắt điện là không thể tránh khỏi.
Giới lãnh đạo ngành viễn thông và cảng biển cũng cho biết sẽ tổ chức đình công trong vòng 24 giờ, song không đưa ra chi tiết cụ thể.
Đây sẽ là đợt bãi công lớn nhất ở Cyprus kể từ khi nước này nhận được gói cứu trợ tài chính vào tháng 3/2013.
Nguyên nhân của các cuộc đình công là do Chính phủ Cyprus ngày 13/2 đã thông qua kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ quốc tế. Quốc hội Cyprus sẽ phải xem xét việc phê chuẩn kế hoạch này chậm nhất vào cuối tháng 2/2014.
Giới chức ngành điện đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng điện và tăng cường dùng những thiết bị tiết kiệm điện, đồng thời yêu cầu các bệnh viện, khách sạn, ngân hàng và nhà máy kiểm tra hoạt động của các máy phát.
Theo thỏa thuận với các chủ nợ nước ngoài, Cyprus sẽ có hai năm để tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước nhằm thu về khoảng 1,4 tỷ euro.
Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích kế hoạch trên cho rằng nhà nước có thể bán đi các tài sản với giá rẻ và điều này có hại cho cả người lao động và người tiêu dùng.
Công ty điện lực quốc doanh Cyta sẽ là doanh nghiệp được tư nhân hóa đầu tiên, tiếp đến là các công ty điện khác và các doanh nghiệp cảng biển.
Đầu tuần này, Cyprus đã vượt qua kỳ kiểm tra thứ ba của các chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Để đổi lấy khoản cứu trợ 10 tỷ euro (13 tỷ USD) từ bộ ba trên, Cyprus phải xử lý nhanh các khoản nợ của ngân hàng lớn thứ hai nước này Laiki và đánh thuế với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro ở ngân hàng Bank of Cyprus.
Việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của Cyprus được xem là cần thiết để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không thể được đẩy nhanh từ nay đến năm 2016, thời điểm Cyprus có thể hoàn toàn ra khỏi suy thoái.
Chính phủ cho biết sẽ bảo vệ các quyền của người lao động và người lao động cũng có sự lựa chọn là mua lại cổ phần các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp nhà nước ở Cyprus có số lượng lao động lớn và đã từng có những cuộc biểu tình chống lại tư nhân hóa trong quá khứ, song không ở quy mô lớn như lần này.
Người lao động lo sợ nhiều việc làm sẽ bị cắt giảm cùng với kế hoạch này, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước cộng hòa hiện đã lên tới 17%./.