AFP đưa tin các biện pháp trừng phạt kinh tế ngày càng được áp dụng phổ biến như các hình thức trừng phạt đối với các quốc gia hoặc chế độ kể từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, nhưng hiệu quả của chúng vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Phương Tây đang chĩa súng vào Nga bằng 5 đợt trừng phạt kể từ khi Moskva mở chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2 vừa qua, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt này có thể không giúp chấm dứt chiến tranh ngay lập tức.
Theo Cơ sở dữ liệu trừng phạt toàn cầu (GSDB), nơi lưu giữ hồ sơ chi tiết, các lệnh trừng phạt đã được sử dụng trung bình 30 lần/năm trong giai đoạn 1950-1990 trong hơn 1.101 cuộc xung đột.
Chúng đã được sử dụng để chống lại Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc, cựu độc tài Libya Moamer Kadhafi và trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
[Kinh tế Nga nỗ lực chuyển mình để đối phó các lệnh trừng phạt]
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga hiện nay bao gồm đóng băng tài sản, loại một số ngân hàng khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu), cấm vận than và các hạn chế mới đối với các khoản đầu tư, châu Âu đã đóng cửa các cảng biển đối với tàu Nga, cấm xuất khẩu sang Nga lượng hàng hóa trị giá 10 tỷ Euro (10,9 tỷ USD), bao gồm cả hàng công nghệ cao, và Bộ Tài chính Mỹ đã ngăn cản Nga sử dụng số ngoại tệ bằng đồng USD được cất giữ tại các ngân hàng của Mỹ để thanh toán nợ nước ngoài của Nga.
Nhưng liệu các biện pháp cấm vận đó có hiệu quả?
Chuyên gia Juan Zarate thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Các biện pháp trừng phạt không thể đẩy lùi xe tăng, ít nhất là ngay lập tức. Và chúng tôi biết rằng tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt sẽ không được cảm nhận trong nhiều tuần, nhiều tháng và nhiều năm."
Trong khi đó, Olivier Dorgans, chuyên gia về các tranh chấp tài chính quốc tế tại Paris, cho biết: “Công cụ này (tức các biện pháp trừng phạt) bùng nổ khi các phản ứng quân sự không còn được ưa chuộng nữa.”
Và theo ông Erdal Yalcin, Giáo sư Kinh tế quốc tế tại Đại học Constance của Đức, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng khi nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi.
Ông nói: “Trong 2 thập kỷ qua, sự hội nhập tài chính của thế giới ngày càng tăng. Mọi quốc gia đều liên kết hoặc bị ràng buộc với hệ thống ngân hàng... Sự cám dỗ của việc trừng phạt một quốc gia bằng các công cụ kinh tế đã tăng lên."
Ngoài mục đích chấm dứt chiến tranh, các biện pháp trừng phạt cũng được sử dụng nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm nhân quyền và khôi phục nền dân chủ.
Trả lời phỏng vấn mới đây của AFP, Gary Hufbauer từ Viện Peterson có trụ sở tại Washington (Mỹ), tác giả một cuốn sách về các biện pháp trừng phạt, cho biết biện pháp trừng phạt chỉ có hiệu quả chưa tới 1/3 số trường hợp khi chúng được sử dụng để ngăn chặn xung đột, đặc biệt nếu chúng đã được áp đặt đối với các nước nhỏ.
Đôi khi không thành công
“Các biện pháp trừng phạt rất hiệu quả về mặt thiệt hại kinh tế”, Yalcin cho biết, nhưng cũng cảnh báo rằng “về khía cạnh thay đổi chính trị, tỷ lệ thành công là từ 30% đến 40%.”
Ông nói: “Cũng rất khó để đo lường mức độ thành công của các biện pháp trừng phạt, đôi khi chúng đi kèm với các biện pháp khác, ví dụ như các hành động quân sự trong trường hợp Kuwait. Đôi khi cũng cần thời gian trước khi nhận thấy những thay đổi chính sách, từ 5 đến 10 năm. Khoảng thời gian đủ lớn và đôi khi không đạt được thành công, như đối với trường hợp của Cuba.”
Các lệnh trừng phạt quốc tế đã không thể ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong khi chúng được cho là có nhiều tác dụng hơn đối với Iran, với việc ít nhất đã đưa nước này ngồi vào bàn đàm phán.
Nga đã cảm nhận được vết thương kinh tế từ các lệnh trừng phạt
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 11,2% trong năm nay, và cơ quan đánh giá tín dụng S&P Global đã xếp Nga vào mức “vỡ nợ có chọn lọc” sau khi Moskva cho biết họ đã trả xong khoảng 650 triệu USD khoản nợ bằng đồng ruble.
Tuy nhiên, đồng nội tệ của Nga đã có một sự trở lại ngoạn mục sau khi trải qua đợt sụp giảm chưa từng thấy trong lịch sử nhờ các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và xuất khẩu năng lượng.
Chuyên gia Zarate cho rằng cơ chế trừng phạt vẫn chưa “hoàn thiện.”
Theo ông, “các hạn chế của châu Âu đối với nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt sẽ là một bước đi quan trọng và là một biện pháp then chốt có thể ảnh hưởng đến doanh thu của Nga.”
Zarate nói thêm: “Điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các biện pháp trừng phạt vốn sẽ có tác động ở mức độ nào đó, bao gồm việc bịt các kẽ hở đối với các ngân hàng Nga chưa bị trừng phạt hoặc không bị loại khỏi hệ thống SWIFT... Cuối cùng, chúng sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga”./.