Phát biểu tại Hội nghị "Những người bạn của Libya" diễn ra tại Paris (Pháp) quy tụ đại diện của hơn 60 quốc gia và tổ chức quốc tế, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 1/9 cho biết các nước đã bãi bỏ phong tỏa nhiều tài sản của chính quyền Muammar Gaddafi và khoảng 15 tỷ USD đã được giải ngân ngay lập tức.
Tuy nhiên, Tổng thống Sarkozy cũng hối thúc Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) - đại diện lực lượng đối lập tại Libya - bắt đầu một tiến trình hòa giải và tha thứ.
Cũng tại hội nghị, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), ông Anders Fogh Rasmussen cho biết lực lượng này sẽ tiếp tục chiến dịch tại Libya chừng nào người dân thường nước này còn bị đe dọa. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại phát biểu thận trọng, hối thúc lực lượng đối lập tại Libya cảnh giác với chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ của họ và không để các vũ khí rơi vào tay những "kẻ xấu."
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông sẽ làm việc với Hội đồng Bảo an LHQ để nhất trí về các điều khoản về một sứ mệnh trước mắt của LHQ trong việc đương đầu với một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra và giúp tái thiết Libya.
[Ông Gaddafi tuyên bố “làm cho Libya bùng cháy”]
Phóng viên TTXVN dẫn các nguồn tin ngoại giao ở Liên hợp quốc cho biết cho đến nay đã có 60 nước công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) là cơ quan quyền lực hợp pháp của Libya.
Tuy nhiên, Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố chưa thể công nhận NTC là đại diện hợp pháp duy nhất của Libya khi chiến sự chưa kết thúc, đồng thời kêu gọi thành lập chính phủ chuyển tiếp với các đại diện đầy đủ của các bên ở Libya. Algeria cho biết sẽ công nhận các nhà lãnh đạo mới của Libya khi một chính phủ mới được thành lập.
Trung Quốc là nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ duy nhất chưa công nhận NTC, nhưng tuyên bố coi NTC là đối tác đối thoại quan trọng và duy trì các cuộc tiếp xúc chặt chẽ với NTC nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Cùng với việc yêu cầu LHQ lãnh đạo tiến trình tái thiết Libya sau chiến tranh, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ bảo vệ các lợi ích kinh tế của nước này ở Libya và muốn có vai trò xứng đáng bình đẳng với các nước phương Tây trong tiến trình này, đồng thời yêu cầu các nước phương Tây không được giành các lợi thế không bình đẳng trong các cơ hội tái thiết và kinh doanh ở Libya.
Trong một diễn biến liên quan Libya, phóng viên TTXVN tại Nga cho biết trong ngày 2/9, ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cuộc họp không chính thức kéo dài 2 ngày tại thành phố Sopot của Ba Lan nhằm thảo luận tình hình Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có vấn đề tái thiết Libya.
Tại cuộc họp này, ngoại trưởng các nước EU sẽ thảo luận các biện pháp giúp chính quyền mới ở Libya thành lập hệ thống nhà nước nhằm lập lại trật tự và an ninh, bảo đảm ổn định và phát triển lâu dài với sự tham gia của các công ty châu Âu vào lĩnh vực dầu mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Libya, ông Gaddafi ngày 1/9 tiếp tục phát lời kêu gọi những người ủng hộ hãy chiến đấu và không đầu hàng lực lượng đối lập.
Theo hai kênh truyền hình Al Arabiya và Arrai, nhà lãnh đạo Libya Gaddafi đã kêu gọi những người ủng hộ ông hãy đốt cháy Libya, tiêu diệt mọi kẻ thù và tiến hành một cuộc kháng chiến lâu dài. Ông Gaddafi cũng cho biết những kẻ chống lại ông đang bị chia rẽ.
Một chỉ huy quân sự của NTC nhận định ông Gaddafi có thể đang ở khu vực Bani Walid ở ngoại ô thủ đô Tripoli và đang lên kế hoạch phản công./.