Các lãnh đạo tài chính nhóm G20 thúc đẩy phối hợp chính sách

Nước chủ nhà Trung Quốc đang là tâm điểm với tăng trưởng kinh tế giảm sút và chính sách tiền tệ được cho là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường trong thời gian gần đây.
Các lãnh đạo tài chính nhóm G20 thúc đẩy phối hợp chính sách ảnh 1Các đại biểu thảo luận tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/2, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhóm họp tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, trong hội nghị hai ngày với nội dung dự kiến tập trung vào việc thúc đẩy phối hợp chính sách trong bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn.

Nước chủ nhà Trung Quốc đang là tâm điểm với tăng trưởng kinh tế giảm sút và chính sách tiền tệ được cho là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường trong thời gian gần đây.

Trong thông điệp qua video gửi tới phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định nước này "có lòng tin trong việc giải quyết tình hình phức tạp trong và ngoài nước." Ông nhấn mạnh các thành viên G20 cần ưu tiên tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và tập trung cải cách cơ cấu. 

Theo ông, "tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu có thể trở nên đáng ngại và phức tạp hơn. Đây là lúc các quốc gia cần phải cùng nhau vượt qua các khó khăn. Các thành viên G20 không nên chỉ quan tâm tăng trưởng kinh tế của nước mình mà còn phải cân nhắc những ảnh hưởng liên đới do các chính sách của họ."

Trung Quốc ủng hộ sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, Đức không tán thành quan điểm này.

Trả lời họp báo trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble phản đối việc triển khai một gói kích thích tài chính của G20 trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Theo ông, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nới lỏng tiền tệ có thể phản tác dụng. Ông cho rằng các chính sách tiền tệ cũng như tài chính đã đạt đến giới hạn, chỉ có cải cách mới có thể khiến kinh tế thực sự tăng trưởng.

Ủng hộ quan điểm của Đức, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin và người đồng cấp Mỹ Jacob Lew đều cho rằng tình hình hiện này chưa phải là khủng hoảng và không cần phải tiến hành chính sách mới.

Ông Lew cũng nhấn mạnh Washington muốn chính phủ các nước G20 khẳng định lại cam kết tránh giàm giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu vì biện pháp này "không dẫn tới kết quả tốt đẹp nào."

Bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh các thị trưòng tài chính toàn cầu lo ngại Trung Quốc tìm cách giảm giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Lo ngại này khiến dòng vốn rút khỏi Trung Quốc trong tháng 12 vừa qua đã lên tới con số kỷ lục 135 tỷ USD.

Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ có thể giúp có thêm thời gian cho việc điều chỉnh cơ cấu.

Chủ tịch Eurogroup, Jeroen Dijsselbloem cũng nhận định chính sách tiền tệ vẫn chưa hết hữu dụng và cần tiến hành một cách phù hợp để tác động lên tăng trưởng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục