Các lãnh đạo RCEP nhất trí nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận trong 2018

Các nhà lãnh đạo của 16 nước đang đàm phán RCEP ho rằng sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do này vào cuối năm, đồng thời nhất trí tăng gấp đôi nỗ lực nhằm ký kết thỏa thuận trong 2018.
(Nguồn: Kyodo)

Các nhà lãnh đạo của 16 nước đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ngày 14/11 cho rằng sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do này vào cuối năm, đồng thời nhất trí tăng gấp đôi nỗ lực nhằm ký kết thỏa thuận trong năm 2018.

Theo tuyên bố chung được đưa ra tại Manila (Philippines) sau khi kết thúc hội nghị cấp cao đầu tiên, các nhà lãnh đạo RCEP khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ trưởng và các nhà đàm phán tăng cường nỗ lực trong năm 2018 để có thể kết thúc các cuộc đàm phán RCEP và quyết tâm đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận này.

Tuyên bố nêu rõ các nước đều nhận thức được sự đóng góp to lớn của mở cửa thương mại và hội nhập kinh tế khu vực, theo đó, giúp khu vực có thể giảm bớt các tác động từ môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu không ổn định cũng như cho phép các nước duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng thừa nhận cuộc đàm phán RCEP tiếp tục là một nhiệm vụ đầy thử thách và khó khăn.


[Hàn Quốc hối thúc sớm hoàn tất đàm phán RCEP vào năm tới]

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte đã hối thúc các nhà lãnh đạo RCEP tạo động lực chính trị để nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán. Theo ông, bức tranh kinh tế toàn cầu đang thay đổi đòi hỏi các nước tham gia RCEP phải nhanh chóng hoàn tất đàm phán.

Ngày 12/11 vừa qua, các bộ trưởng thương mại RCEP cũng đã nhất trí thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận vào năm 2018.

Ra đời năm 2012, RCEP là hiệp định giữa 10 nước thành viên ASEAN và sáu đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Do đó, RCEP được xem là hiệp định thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 39% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Việc hoàn tất RCEP sẽ dẫn tới việc thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới, giúp RCEP có tiềm năng đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu. Khác với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường.

Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng. Chính sự khác biệt giữa các nước tham gia đàm phán RCEP đã cản trở việc kết thúc các cuộc đàm phán vốn đã kéo dài năm năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục