Các làng nghề ở Hà Nội bắt đầu phục hồi sản xuất trở lại

Sau gần 2 tháng “án binh bất động” thực hiện giãn cách xã hội và gần 5 tháng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ tư, hiện nay, nhịp sống tại các làng nghề đã được hồi sinh.
Làng nghề đan cỏ tế Phú Túc, huyện Phú Xuyên. (Nguồn: vov.vn)

Với chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội của thành phố Hà Nội, từ sau 15/9, các cơ sở sản xuất làng nghề ở phân vùng 2 và 3 bắt đầu hồi sinh, nhịp sản xuất sôi động trở lại sau thời gian dài tạm lắng.

Tuy vậy, các làng nghề ở Thủ đô vẫn còn không ít khó khăn để trở lại nhịp độ như trước, cần sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất

Những ngày này, làng nghề đan cỏ tế Phú Túc, huyện Phú Xuyên, bắt đầu sôi động trở lại.

Các cơ sở sản xuất nhộn nhịp người qua lại, những chuyến xe chở hàng chạy khắp nẻo đường làng.

Người dân xã Phú Túc phấn khởi vì sau gần 2 tháng “án binh bất động” thực hiện giãn cách xã hội và gần 5 tháng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ tư, hiện nay, nhịp sống đã được hồi sinh.

Trước đó, không ai nghĩ, một làng nghề có tuổi đời 400 năm, lúc nào cũng náo nhiệt với những chuyến hàng xuất đi hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và 20 quốc gia trên thế giới lại rơi vào cảnh đìu hiu như vậy. Bởi thế, khi thành phố nới lỏng giãn cách, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng đan cỏ tế nhanh chóng bắt tay vào hoạt động.

[Hà Nội linh hoạt phân khu, 'vùng xanh' bắt nhịp sản xuất]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Túc Bùi Hồng Luyến cho biết trong những ngày giãn cách vừa qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh giảm quy mô hoạt động, khả năng tiêu thụ hàng hóa hạn chế.

Người lao động tại các cơ sở này thực hiện “3 tại chỗ,” còn các hộ sản xuất trong phạm vi khuôn viên nhà riêng. Vì vậy, khi được tái sản xuất trở lại như trước, không khí làng nghề khẩn trương, sôi động hơn. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đang tất bận hoàn thành để đưa hàng lên đường.

Cũng như nhiều làng nghề khác ở vùng ngoại thành Hà Nội, làng nghề mộc Chàng Sơn, huyện Thạch Thất bắt đầu rộn rã âm thanh của tiếng máy, tiếng công nhân lao động và xe vận tải.

Các nhà xưởng trong Cụm công nghiệp làng nghề, xưởng mộc trong làng bỗng bừng tỉnh sau một thời gian trầm lắng.

Giám đốc doanh nghiệp Nhà gỗ Phúc Lộc Nguyễn Huy Khiêm cho biết xưởng gỗ nhà anh tạm nghỉ từ cuối tháng 7 đến nay để thực hiện cao điểm phòng, chống dịch khi thành phố yêu cầu giãn cách xã hội.

Hiện nay, doanh nghiệp đã huy động được 80% nhân công trở lại xưởng để đáp ứng các đơn hàng. Tùy thuộc vào nhân công, đơn hàng, mỗi doanh nghiệp hay xưởng mộc tại làng nghề Chàng Sơn đã trở lại hoạt động với mức độ khác nhau nhưng nhìn chung, cơ sở thấp cũng đạt khoảng 40-50% công suất.

Cùng với việc sản xuất, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Thời gian qua, các làng nghề có đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế địa phương. Tăng trưởng về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm đều tăng cao. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm/làng nghề, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm/làng nghề và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm/làng nghề, đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương.

Việc ngưng trệ sản xuất trong thời gian dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu, đóng góp ngân sách và việc làm cho người lao động. Bởi vậy, khi thành phố nới lỏng việc giãn cách, người dân làng nghề rất phấn khởi, tập trung lao động, sản xuất.

Tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề

Dù người dân làng nghề rất phấn khởi khi sản xuất bắt đầu phục hồi nhưng thực tế sau những tác động của dịch COVID-19, các làng nghề gặp không ít khó khăn. Nhất là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực còn hạn chế, sau thời gian dài nghỉ dịch thì nguồn thu hạn hẹp, việc đầu tư tái sản xuất gặp nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, với những làng nghề có thị trường tiêu thụ trong nước là chủ yếu, việc tiêu thụ trong thời gian này chưa tạo được cú hích lớn.

Làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm không chỉ nổi danh bởi nghề dát vàng, bạc quỳ mà còn là nơi sản xuất sản phẩm da phục vụ hàng tiêu dùng khá lớn. Năm học mới là thời điểm có thể tiêu thụ tốt cặp sách, ba lô cho học sinh nhưng lúc này dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội.

Một số sản phẩm đã được thếp vàng tại làng nghề vàng, bạc Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Ngay cả mặt hàng valy cũng tiêu thụ chậm do mùa Hè năm nay, nhu cầu đi du lịch hầu như không có.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kiêu Kỵ Đinh Văn Giảng không giấu được nỗi trăn trở khi đề cập đến việc sản xuất của làng nghề trong thời gian này. Tuy vậy, ông cũng mong dịch bệnh tại Hà Nội và cả nước sớm được kiểm soát để các làng nghề có điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên Vũ Quốc Thương cho biết, sở dĩ nhiều cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ ở địa phương chưa khôi phục được hoạt động là do chưa có đơn hàng mới.

Việc có đơn hàng mới hay không phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh do sản phẩm mỹ nghệ gắn kết với nhiều địa phương khác cần phải giao thương, bên cạnh đó là khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, khôi phục sản xuất hay không với một số làng nghề không phải câu chuyện ngày một, ngày hai.

Một vấn đề khác của các làng nghề là nhiều hộ sản xuất theo quy mô hộ gia đình và không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế.

Dù nhiều hộ phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian giãn cách nhưng rất khó để họ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Việc khôi phục hoạt động của làng nghề phụ thuộc vào thị trường nhưng do kinh tế khó khăn khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Một mặt, thủ tục để tiếp cận hỗ trợ của doanh nghiệp làng nghề còn phức tạp, gồm cả thủ tục cho người sử dụng lao động lẫn lao động. Đại diện các cơ sở sản xuất ở làng nghề mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng có những khoản vay ưu đãi để họ có thể từng bước khôi phục sản xuất.

Hiện nay, thành phố đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở phân vùng 2, 3 nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh còn vướng mắc về việc đi lại của công nhân giữa các vùng và công tác tổ chức ăn, ở cho công nhân trong phòng dịch.

Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện phải liên thông thông suốt, giải quyết ngay khúc mắc, đảm bảo tinh thần an toàn mới được sản xuất, sản xuất phải an toàn đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề có đặc thù riêng mong muốn giảm nhẹ thủ tục để mọi người dễ tiếp cận. Chính quyền có những khoản vay ưu đãi để các cơ sở sản xuất làng nghề có thể từng bước khôi phục sản xuất./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục