Những ngày cận kề Tết cổ truyền Giáp Ngọ 2014, làng nghề trồng hoa, cây cảnh xã Nghi Liên, thành phố Vinh, Nghệ An trở nên tấp nập hơn.
Ông Trần Đức Oanh, Trưởng ban Nông Nghiệp xã Nghi Liên cho biết nghề trồng hoa, cây cảnh xã Nghi Liên chỉ mới bắt đầu khoảng hai mươi năm trở lại đây, trước đó chỉ có một số ít hộ trồng hoa trên mảnh đất vườn thay cho trồng rau. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên người ta chuyển sang trồng chuyên canh cây hoa dần thay thế cho cây hoa màu.
Đến nay, toàn xã có trên 30ha chuyên canh trồng hoa, trong đó riêng xóm 4 xã Nghi Liên có 61/70 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh, trên diện tích là gần 7ha.
Hoa tại xã Nghi Liên được trồng với nhiều loại hoa khác nhau như hoa cúc vàng, cúc trắng, hoa hồng, hoa thược dược hay hoa được trồng trong nhà lưới là hoa ly, hoa tuylíp...
Từ việc trồng hoa cây cảnh mà đời sống nhân dân ngày càng ổn định, bình quân thu nhập của các hộ gia đình thấp nhất là 300 triệu đồng, có gia đình thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Theo ông Oanh, thị trường hoa năm nay không có nhiều biến động, giá hoa chỉ cao hơn giá năm trước một chút do người trồng hoa phải mua cây giống đắt hơn và giá xăng tăng cao nên chi phí vận chuyển cũng cao hơn.
Vào thời điểm này, các hộ gia đình trồng hoa, cây cảnh đang tích cực chăm sóc hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu của người dân địa phương cũng như các lái buôn, thương lái ở các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, theo nhận định của các hộ trồng hoa, so với năm trước, thị trường hoa năm nay ảm đạm hơn, lượng hoa bán ra chưa nhiều, các lái buôn, chủ cửa hàng cũng chỉ mới đến xem hàng và đặt hoa với số lượng không nhiều.
Chị Nguyễn Thị Nga, một trong những hộ trồng hoa lớn nhất tại xóm 4 Nghi Liên cho biết, gia đình chị trồng 4 sào hoa, chủ yếu là hoa cúc trắng, hoa cúc vàng, trung bình hàng năm gia đình chị thu nhập trên 500 triệu đồng từ việc trồng hoa. Theo chị Nga, gần kỳ thu hoạch, thời tiết rất thuận lợi, nên hoa nở đều, màu sắc rực rỡ hơn năm ngoái, và nở đúng vào dịp Tết.
Không chỉ trồng hoa phục vụ nhu cầu trong lễ tết mà tại xã Nghi Liên cây cảnh cũng đang là một trong những cây trồng mang lại thu nhập cao và được người dân chú trọng phát triển.
Tại xã Nghi Liên, cùng với hoa thì nhà nào cũng có từ 70-100 chậu cây cảnh để phục vụ thị trường ngày Tết với giá từ bình dân như quất cảnh, mai vàng đến những chậu cây cảnh mang tính nghệ thuật cao và giá cũng khá đắt như sung, sanh, mưng…
Anh Nguyễn Đình Hà, một trong những hộ gia đình có số lượng cây cảnh lớn nhất tại xã Nghi Liên cho biết, để có được một cây cảnh đẹp và bán được giá cao thì đòi hỏi người trồng cây cảnh phải chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho cây.
Để có được những kỹ thuật đó thì tất cả các chủ hộ trồng cây cảnh tại xã Nghi Liên đều được tham gia lớp học do các nghệ nhân truyền dạy cũng như các lớp tập huấn do địa phương tổ chức.
Cùng với nhiều vùng trồng hoa khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tại làng hoa An Phú vào thời điểm những ngày giáp Tết này, bà con trồng hoa đang tích cực chăm chút và hoàn tất những khâu cuối cùng trước khi đưa các loại hoa vào phục vụ Tết.
Làng hoa An Phú được biết đến là nơi cung ứng nhiều loại hoa cho thị trường Tết tại phố núi Pleiku.
Toàn xã hiện phát triển được gần 100ha các loại hoa tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như layơn, cúc thương phẩm, đồng tiền, cẩm chướng, bi bi, ngàn sao, kiết tường...
Vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn My ở thôn 11, xã An Phú, thành phố Pleiku quyết định đầu tư trồng hơn 20 giò hoa layơn với nhiều giống mới chất lượng. Hiện vườn hoa của gia đình ông đang phát triển tốt, nở đều và đảm bảo kịp cung cấp ra thị trường trước Tết.
Ông My cho biết mọi năm gia đình ông trồng giống layơn vàng lê hổ và đỏ mật, năm nay ông mạnh dạn đầu tư trồng thử thêm giống đỏ tai vuông. Hiện giống mới này lên rất đều, trổ hàng loạt, hi vọng năm nay sẽ cho thu nhập cao hơn.
Để có nguồn hoa phục vụ Tết, người trồng hoa phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển để tránh hoa nở sớm hoặc quá muộn.
Mặc dù năm nay thời tiết không thuận, mưa bão liên tục xảy ra vào thời điểm cuối năm nhưng những nhà vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh lại rất phấn khởi bởi giá hoa Tết năm nay dự báo sẽ cao hơn năm trước do nguồn cung không đủ cầu.
Không chỉ cung ứng nguồn hoa cho thị trường nội địa, các làng hoa trên địa bàn tỉnh còn được nhiều thương lái đến từ các tỉnh thành miền Trung tìm đến đặt mua từ trước.
Ông Phan Chứ ở phường An Tân, thị xã An Khê cho biết với màu sắc vàng rực rỡ, cúc đại đóa là một trong những loại hoa truyền thống của vùng đất cao nguyên được tiêu thụ mạnh nhất trong dịp Tết.
Năm ngoái giá bán 170.000 đồng/chậu thì năm nay đã tăng lên 220.000 đồng/chậu. Các giống hoa khác như ly ly, đồng tiền, cúc thương phẩm, cát tường… cũng được nhiều thương lái đặt mua từ trước. Chắc năm nay thu nhập của người trồng hoa sẽ cao hơn năm trước.
Nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có sự xuất hiện của những giống hoa nhập ngoại với sắc màu rực rỡ tươi đẹp, đa dạng tạo cho người dân phố núi có thêm sự lựa chọn trong năm mới.
Tuy nhiên những giống hoa truyền thống tại các vùng hoa An Phú - thành phố Pleiku hay An Khê, Đăk Pơ vẫn giữ được những nét đẹp riêng không thể thiếu trong mỗi gia đình trong dịp Tết./.