Cùng với sự phát triển ngày càng "nóng" của thị trường bất động sản, vai trò của nhà môi giới bất động sản đang được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.
Mặc dù vậy, Hội Môi giới Bất động sản VIệt Nam (VARS) cho biết, tới thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 40 nghìn người hoạt động môi giới bất động sản có Chứng chỉ môi giới bất động sản do các cơ quan chức năng cấp.
Dù trên thực tế, có nhiều hơn số lượng này đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, nhưng chưa có chứng chỉ môi giới bởi không có suất thi. Hiện cả nước chỉ có khoảng 15 địa phương trên 63 tỉnh, thành phố tổ chức các kỳ thi Chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này cho thấy đang quá thiếu các kỳ thi cấp chứng chỉ so với nhu cầu.
Trước đó, theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, thực tế trong 10 năm qua, có một số địa phương quan tâm triển khai, nhưng cũng rất hạn chế số lượt, số lượng, VARS nhận xét.
Tỷ lệ các kỳ thi Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được tổ chức còn quá nhỏ so với nhu cầu. Ví dụ, tại Hà Nội, địa phương có hàng vạn môi giới bất động sản hoạt động nhưng chỉ tổ chức 2, 3 lần trong năm với khoảng 2 đến 3 nghìn lượt thí sinh tham dự. Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Thậm chí, nhiều vùng, địa phương khác cũng có nhu cầu về chứng chỉ này rất lớn nhưng không tổ chức bởi không đủ nguồn lực, kinh nghiệm, chuyên môn thực hiện và lo ngại sai sót.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua với nhiều quy định mới về phương thức tổ chức sát hạch và cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ.
Ngoài phân cấp cho các Sở Xây dựng tổ chức kỳ thi và cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, Bộ Xây dựng có thể giao hoặc ủy quyền cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi; trong đó có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
VARS cho rằng, quy định mới này phù hợp hơn theo quan điểm về một kỳ thi quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, thi cử, tránh phát sinh tiêu cực. Thông qua việc rà soát nhu cầu thi, các kỳ thi sẽ được lên kế hoạch tổ chức với quy mô tương ứng.
Như vậy, người làm nghề buộc phải có thái độ nghiêm túc trong việc chuẩn bị kiến thức pháp luật cũng như trải qua đào tạo và sát hạch nghiêm túc để có thể thông qua kỳ thi cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, khẳng định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản là điểm nhấn quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Việc quy định chặt chẽ hoạt động môi giới, sàn giao dịch là điều kiện sàng lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng cho thị trường, để thị trường sẽ chỉ còn những môi giới đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm.
Theo VARS, cách đây 30 năm, Luật Đất đai năm 1993 ra đời cho phép việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dễ dàng hơn, đã góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường bất động sản Việt Nam hình thành và phát triển.
Năm 2006, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản đầu tiên; trong đó có các nội dung liên quan tới hoạt động đầu tư, tạo lập, mua bán, chuyển nhượng bất động sản và hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực này.
Từ đây, nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam được khai sinh, được thừa nhận giúp địa vị pháp lý của nhà môi giới được xác lập rõ ràng.
Khoảng 8 năm sau đó, đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bất động sản mới với các quy định liên quan tới hoạt động môi giới bất động sản theo hướng cởi mở hơn.
Cho đến nay, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, lực lượng môi giới bất động sản đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thông qua lực lượng trung gian này, hàng trăm nghìn giao dịch với giá trị hàng triệu tỷ đồng đã được kết nối thực hiện mỗi năm, VARS cho biết.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nóng của thị trường bất động sản, vai trò của Nhà môi giới bất động sản đang ngày càng được đánh giá cao với yêu cầu đòi hỏi khắt khe hơn.
Mặc dù vẫn tồn tại những môi giới hoạt động không có Chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém… thì cũng có ngày càng nhiều môi giới nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng, kiến thức.
Việc đạt được Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đặc biệt được chú trọng. Bản thân các nhà môi giới mong muốn cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch tốt nhất, tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả và công bằng cho cả người mua và người bán.
Trước thực tế này, VARS nhận định thời gian tới, cùng với quy định nâng cao vai trò, ràng buộc pháp lý của nhà môi giới trong các giao dịch, hoạt động môi giới sẽ đi vào nề nếp, chính quy và chuyên nghiệp hơn.
Từ đó sẽ có nhiều môi giới bất động sản chân chính, xây dựng thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp hơn; góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung. Đặc biệt, qua đó, dần dần thay đổi sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề môi giới bất động sản.
VARS kiến nghị, để hướng đến một thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, nâng cao vị thế nghề và bảo vệ các nhà môi giới bất động sản chân chính, cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ định cơ quan thực hiện khâu kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới bất động sản đúng luật.
Bên cạnh đó, để việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản của Nhà nước thực sự hiệu quả, VARS đề xuất rà soát lại và làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào trong quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề. Có thể xem xét, giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà môi giới là VARS chủ trì việc cấp, quản lý mã số định danh và tham gia vào việc khuyến cáo, giám sát hội viên thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhận xét thị trường bất động sản vẫn khó nhưng đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Bởi vậy, các công ty môi giới đã phải tuyển dụng mới để khởi động hệ thống, chạy lại nhiều chương trình bán hàng cho chủ đầu tư, nhất là những dự án căn hộ phục vụ nhu cầu ở thật.
Tuy nhiên, theo ông Quang, số lượng môi giới trở lại thị trường trong năm 2024 sẽ không nhiều bởi đây chỉ mới là năm thị trường "chớm hồi phục", chưa thực sự sôi động để có việc cho đông đảo môi giới.
Hơn hết, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mới được thông qua có quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề và phải làm trong một tổ chức kinh doanh dịch vụ giao dịch, môi giới bất động sản. Điều này có nghĩa, môi giới không còn được tự do hoạt động như trước.
Nhưng quy định này là cần thiết sau thời gian dài môi giới hoạt động tự phát, thiếu sự quản lý./.
Môi giới bất động sản không hành nghề tự do, phải nhận "hoa hồng" qua tài khoản
Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng điều kiện phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản.