Các khu công nghiệp ở Hải Phòng dồn lực nhanh chóng phục hồi sau bão

Thời điểm này, Hải Phòng cũng như cộng đồng doanh nghiệp đang dồn sức khắc phục tàn tích của bão, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hoạt động sản xuất trở lại bình thường sau bão số 3 tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)
Hoạt động sản xuất trở lại bình thường sau bão số 3 tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)

Hải Phòng là một trong những nơi tâm bão Yagi đi qua, và sức tàn phá của nó đã để lại hậu quả nặng nề cho thành phố này.

Thời điểm này, Hải Phòng cũng như cộng đồng doanh nghiệp đang dồn sức khắc phục tàn tích của bão, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Phục hồi sau bão

Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết đến thời điểm này, 100% các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại với quyết tâm cao nhất không để đứt gãy, gián đoạn, đảm bảo chuỗi cung ứng tại Hải Phòng trong thị trường toàn cầu luôn thông suốt.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh chia sẻ, siêu bão Yagi đi qua, cả thành phố Hải Phòng như vừa trải qua một cơn địa chấn và Cảng Hải Phòng cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên do đã có phương án chủ động phòng ngừa nên Cảng Hải Phòng đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo công ty đã xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo, huy động cán bộ công nhân viên nỗ lực khắc phục thiệt hại, tập trung thu dọn kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, sửa chữa các trang thiết bị hư hỏng do bão để ổn định sản xuất.

Tính đến ngày 16/9, cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị, nhà xưởng, khu vực làm việc của Cảng Hải Phòng đã được khôi phục. Các chi nhánh cảng Tân Vũ, Chùa Vẽ và cảng thành viên Cảng Hoàng Diệu các hoạt động được khôi phục trở lại từ ngày 9/9, riêng Cảng Đình Vũ hoạt động phục vụ khách hàng từ cuối giờ chiều ngày 8/9.

Với các thiết bị bị hư hỏng được khảo sát, Công ty lên phương án khắc phục sửa chữa. Đối với hàng hóa bị tổn thất do bão, Cảng Hải Phòng bàn bạc với khách hàng phương án giải quyết khắc phục hậu quả; nhanh chóng đảm bảo sản xuất được thông suốt.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC- HICT), để hạn chế tối đa những thiệt hại từ bão số 3 và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, tài sản, TC-HICT luôn theo dõi sát sao và tiến hành kịp thời các phương án ứng phó.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân, đến thời điểm hiện tại, không phát sinh thiệt hại, sự cố về người trong khu vực Cảng TC-HICT. Các trang, thiết bị chủ chốt (STS, eRTG, xe nâng, hệ thống công nghệ thông tin...) và hàng hóa trong Cảng vẫn trong tình trạng hoạt động bình thường.

TC-HICT chính thức quay trở lại hoạt động bình thường từ 14 giờ ngày 9/9, bắt đầu giao nhận container và các dịch vụ tại cảng (ngoại trừ dịch vụ cân hàng); 16 giờ 30 phút cùng ngày, TC-HICT tiếp nhận tàu theo kế hoạch.

Với Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đã khẩn trương khắc phục sự cố mất điện, nước diện rộng trong Khu công nghiệp. Ngay trong ngày 9/9, DEEP C đã khôi phục cấp điện cho 95% khách hàng và đến ngày 12/9 đã hoàn thành cấp điện trở lại cho 98% khách hàng, chỉ còn lại một số khách hàng đang cần kiểm tra lại hệ thống của họ để đảm bảo an toàn trước khi đóng điện trở lại. Đối với nước sạch đã được cấp trở lại cho toàn bộ (100%) khách hàng.

Đồng thời, DEEP C cũng tăng cường công tác phòng ngừa rủi ro sau bão. DEEP C đã chuẩn bị bao cát, máy phát và máy bơm đề phòng nước vượt tường bao tại Trạm cắt 3 của Khu công nghiệp. Sửa chữa bờ kè mương thoát nước tại khu vực đường Beach 7, Khu công nghiệp DEEP C2A; khoanh vùng và lắp đặt bơm lưu động tại các khu vực trọng yếu; bổ sung nhân lực và vật tư, phương tiện ứng phó; kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước, bao gồm mương hở, cửa xả... là hành động chung cho toàn bộ các Khu công nghiệp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, về thiệt hại chung, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều có cây xanh bị gẫy đổ, nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90% và thiệt hại thấp nhất là 30%. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão.

ttxvn_hai phong phuc hoi san xuat (1).jpg
Hoạt động sản xuất trở lại bình thường sau bão số 3 tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhiều doanh nghiệp bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ, cổng hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào nhà xưởng song không ghi nhận thiệt hại về người. Hiện các doanh nghiệp, các khu công nghiệp đều đang khẩn trương khắc phục sự cố để hoạt động trở lại.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xác định việc khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra là tình huống cấp bách, khẩn cấp. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, hướng dẫn phương pháp thống kê và kiểm tra công tác thống kê bảo đảm hệ thống dữ liệu thống nhất, không trùng lặp, đúng thời hạn quy định.

Trong đó, phân loại rõ đối tượng bị thiệt hại (người dân, doanh nghiệp, trụ sở các cơ quan trung ương và địa phương…). Công tác thống kê phải bảo đảm tính pháp lý, nghiêm cấm trục lợi chính sách, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm khắc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng quy định của số liệu thống kê.

Bên cạnh đó, có giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sản xuất, nông nghiệp sau bão. Trước mắt, nghiên cứu tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay kịp thời phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mức lãi suất thấp nhất có thể; xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ, cho vay tiếp đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Hải Phòng tham mưu cho lãnh đạo thành phố về công tác chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng của bão. Đồng thời, chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới… để khôi phục sản xuất cho những khách hàng bị thiệt hại sau bão.

Các đơn vị, ngành chức năng nghiên cứu có cơ chế ưu đãi về thuế, tiền điện, nước; tháo gỡ khó khăn về chính sách chi trả tiền lương, Bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các doanh nghiệp bị thiệt hại phải ngừng hoạt động sau bão; đề nghị các Công ty bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường bảo hiểm đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão.

Theo ông Lê Trung Kiên, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp khắc phục hậu quả nhanh nhất, ổn định sản xuất kinh doanh.

Nếu doanh nghiệp có bất kỳ khó khăn nào thì báo lại để Ban hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những việc thuộc thẩm quyền. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ trực tiếp báo cáo để lãnh đạo thành phố Hải Phòng chỉ đạo các ngành hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

7 tháng của năm 2024, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế đã thu hút được tổng vốn đầu tư đạt 1,22 tỷ USD với 50 dự án; trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,17 tỷ USD với 43 dự án cấp mới, đạt 60% kế hoạch năm. Thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt 1.107 tỷ đồng (tương đương 47,33 triệu USD) với 7 dự án cấp mới.

Tổng số lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế là 200.820 lao động. Trong đó, lao động Việt Nam 196.277 người; lao động nước ngoài 4.543 người. Thu nhập bình quân lao động Việt Nam là 11,52 triệu đồng/người/tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục