Cơ quan Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) cho biết trong tháng Hai vừa qua các khoản vay mượn của Chính phủ Anh đã tăng lên 19,1 tỷ bảng Anh (khoảng 26,6 tỷ USD), ghi dấu mức kỷ lục của tháng Hai, do các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nhằm giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Con số trên cao hơn nhiều so với 1,6 tỷ bảng Anh trong tháng 2/2020, thời điểm ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
ONS đánh giá đại dịch COVID-19 đã có tác động đáng kể đến kinh tế Anh và làm gia tăng các khoản vay và nợ công. Chính phủ Anh đã phụ thuộc đáng kể vào việc vay mượn, khi nguồn thu thuế sụt giảm do chính sách đóng cửa dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã chi 352 tỷ bảng Anh cho các biện pháp khẩn cấp, đặc biệt là cho kế hoạch chi trả phần lớn tiền lương cho hàng triệu người Anh tại khu vực tư nhân. Tổng nợ công của Anh đang ở mức 2.130 tỷ bảng Anh, tương đương 97,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), con số đã không được nhìn thấy kể từ đầu những năm 1960.
[BoE lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế của Vương quốc Anh]
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định dịch COVID-19 đã gây ra một trong những cú sốc kinh tế lớn nhất mà nước này từng phải đối mặt và đó cũng là lý do khiến các nhà lãnh đạo phải đưa ra gói hỗ trợ trị giá 352 tỷ bảng để bảo vệ người dân và sinh kế của họ.
Theo ông Sunak, gói hỗ trợ trên là việc làm có trách nhiệm về mặt tài chính và là cách tốt nhất để hỗ trợ tài chính công trong trung hạn.
Dù vậy, ông lưu ý nước Anh vẫn nên tìm cách đưa nền tài chính công trở lại con đường bền vững hơn khi nền kinh tế đã phục hồi.
Theo ông Sunak, nhiều khả năng London sẽ tiến hành tăng thuế trong những năm tới để chi trả cho khoản hỗ trợ khẩn cấp. Đầu tháng này, trong bản dự thảo ngân sách hàng năm, ông Sunak đã công bố kế hoạch tăng mức thuế đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp từ mức 19% hiện nay lên 25% vào năm 2023./.