Các khoản vay lại của Chính phủ: Địa phương không biết cách triển khai

Từ năm 2018 tới nay, cả nước có khoảng 160 dự án đang triển khai với phần vốn do địa phương vay lại khoảng 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên, các địa phương lại đang lúng túng không biết triển khai ra sao...
Các khoản vay lại của Chính phủ: Địa phương không biết cách triển khai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Các địa phương vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đang tỏ ra lúng túng từ khâu chủ trương tới triển khai, giải ngân cũng như tổ chức quản lý các kênh thông tin.

Tại hội thảo "Quản lý cho vay lại cho chính quyền địa phương" ngày 21/6, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo chí sâu hơn về vấn đề này.

Thói quen tài chính cũ ăn sâu

- Ông có thể cho biết, hiện các địa phương đang vay lại bao nhiêu tiền từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ?

Ông Trương Hùng Long: Có thể điểm lại thế này, trong giai đoạn 2005-2015, trong tổng số 45 tỷ USD ta huy động được thì dành cho địa phương 1/3, tức là khoảng 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, giai đoạn này cơ bản là cấp phát, khoản vay lại rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 7% trong số 15 tỷ USD trên với các dự án có khả năng thu hồi vốn.

[Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi]

Giai đoạn 2016-2020 thì cơ chế khác đi, tức là chia sẻ gánh nặng nợ giữa Trung ương và địa phương. Bởi thế các khoản vay nước ngoài về cho vay lại thực hiện tùy theo từng địa phương.

Các khoản vay lại của Chính phủ: Địa phương không biết cách triển khai ảnh 2Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một số địa phương có ngân sách bội thu thì phải vay lại 70%, còn các địa phương có khả năng thu thấp thì theo từng cấp độ thì vay lại tỷ lệ ít hơn.

Vì mới được quy định nên hiện tỷ lệ vay lại của địa phương chưa nhiều. Từ năm 2018 tới bây giờ, có khoảng 160 dự án đang triển khai với phần vay lại chưa tới 4.000 tỷ đồng. Phần vay lại này là chia sẻ giữa Trung ương và địa phương. Còn lại, nguồn vốn chủ yếu vẫn nằm ở cấp phát.

- Khó khăn với quá trình cho vay lại hiện là gì, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Việc cho vay lại đặc biệt với địa phương đang theo quy định của 3 luật: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công và Luật Đầu tư công.

Việc thay đổi liên tục các luật và văn bản hướng dẫn dẫn tới các quy định pháp luật không ổn định. Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài có quá trình dài từ khi đề xuất danh mục tới hoàn chỉnh thủ tục để đàm phán ký kết.

Ngoài ra, khâu tổ chức thực hiện dự án lại nằm trong giai đoạn dài sau nữa. Việc thay đổi liên tục dẫn tới khó khăn cho chủ dự án, địa phương khi triển khai vì họ phải thay đổi theo các quy định mới.

Một vấn đề khác là, việc tăng tính hiệu quả và trách nhiệm trong triển khai dự án đã đặt ra nhiều quy định siết chặt về hạn mức, điều kiện vay, giới hạn với bội chi địa phương,... Bởi thế, trong thủ tục, cơ quan chức năng phải thẩm định tất cả các điều kiện trên, từ khi đề xuất dự án, tới khi thực hiện giải ngân. Đó là một điểm các địa phương gặp khó.

Tuy nhiên, điểm khó khăn lớn nhất với địa phương hiện nay là thói quen. Vay  nợ địa phương là vấn đề mới đặt ra. Vì thế các địa phương nhất là các nơi trước kia ít được tiếp cận nguồn vốn thì có nhiều lúng túng từ khâu chủ trương tới triển khai, phối hợp với nhà tài trợ để giải ngân cũng như tổ chức quản lý các kênh thông tin,...

Bộ Tài chính đang cùng các bộ ngành cố gắng thiết lập hệ thống thông tin cũng như quản lý địa phương được xuyên suốt sớm nhất.

Mức bội chi là phù hợp

- Hạn mức vay nợ còn phụ thuộc vào mức bội chi ngân sách địa phương (không quá 0,2% GDP). Mức bội chi này liệu có thấp không, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Đặc thù của ngân sách ta là lồng ghép, bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã). Quốc hội thông qua ngân sách Nhà nước bao gồm Trung ương và địa phương và từ đó phân bổ. Ngân sách của ta là bình thông nhau, khác với các nước là Trung ương riêng, địa phương riêng.

Nhiều địa phương nói để bội chi 0,2% là quá ít nhưng quan điểm của Chính phủ là muốn kiểm soát an toàn các khoản vay địa phương và đảm bảo cho các địa phương có nguồn thu thấp, nghèo sẽ được ưu tiên để trợ cấp.

Nếu tăng bội chi đồng nghĩa giảm trợ cấp thì các địa phương nghèo có vay cũng không có khả năng trả. Các địa phương đảm bảo thu điều tiết cho chi thường xuyên, còn không đủ thì không bao giờ có khả năng trả nợ được. Tôi cho là quan điểm của Chính phủ hiện là thận trọng và phù hợp.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nói về quy định cho vay lại với các địa phương:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục