Các Hội hữu nghị với Việt Nam ở châu Âu phản đối Trung Quốc

Các Hội hữu nghị với Việt Nam ỏ châu Âu đã ra nghị quyết chung yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Các Hội hữu nghị với Việt Nam ở châu Âu phản đối Trung Quốc ảnh 1Tàu Hải giám Trung Quốc truy cản trái phép tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình căng thẳng ngày càng leo thang do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 30/6, các Hội hữu nghị với Việt Nam tại Pháp, Đức, Thụy sĩ, Tây Ban Nha, Anh và Đan Mạch, Ủy ban Đoàn kết Thụy Điển với Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Italy đã ra Nghị quyết chung yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam và chấm dứt các hành động bạo lực.

Nghị quyết chung này đã được gửi tới Liên minh châu Âu (EU).

Theo Nghị quyết, từ ngày 2/5 đến nay đã xảy ra các vụ đụng độ nghiêm trọng gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển được gọi là Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Một giàn khoan của Trung Quốc đã xuất hiện ở đây với hàng trăm tàu hộ tống.

Khu vực này thuộc Lô 143 của khu vực thăm dò và chính thức nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, trên thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các tàu của Việt Nam bị đâm húc, bị phun vòi rồng, làm cho một số người bị thương.

Trước tình hình này, các Hội hữu nghị với Việt Nam ở châu Âu một lần nữa bày tỏ lo ngại các tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam lại tiếp tục leo thang.

Những bất đồng về việc xác lập một cách chính xác vùng lãnh thổ và chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể giải quyết bằng các hành động khiêu khích, hành vi bạo lực và bằng cách đơn phương tạo ra việc đã rồi.

Ở đây cũng như trong mọi trường hợp khác, luật pháp quốc tế phải được ưu tiên áp dụng. Trong các tranh chấp về biên giới phải tính đến chủ quyền lịch sử đối với các khu vực quốc gia đã được xác lập và thống nhất trong quá khứ.

Trong trường hợp tranh chấp về khu vực chủ quyền trên biển thì phải theo các nguyên tắc, quy định và khuyến nghị hiện hành của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được xác lập năm 1982 tại Hội nghị Montego đã được cả Trung Quốc và Việt Nam phê chuẩn.

Ở thời điểm này, rõ ràng việc Trung Quốc đang đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây áp lực lên các nước láng giếng để thực thi quan điểm của mình là điều không thể chấp nhận được. Điều này đặc biệt đúng đối với trường hợp Việt Nam.

Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lâu đời giữa hai nước và phá vỡ những thỏa thuận mà họ đã cam kết với cộng đồng các nước ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố năm 2002 về việc giải quyết thỏa đáng các tranh chấp.

Các Hội hữu nghị với Việt Nam ở châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu thuyền xâm phạm vùng biển của Việt Nam, đình chỉ mọi biện pháp bạo lực để tạo việc đã rồi, thực hiện những nghĩa vụ mà Trung Quốc đã cam kết trong thỏa thuận năm 2002, nghĩa là phải thay đổi cách ứng xử để tạo điều kiện cho sự hợp tác tốt đẹp và tiến tới một giải pháp chính đáng cho cuộc xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục