Các hoạt động trong tháng lễ Ramadan bị hạn chế vì dịch COVID-19

Do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại nhiều khu vực trên thế giới, các hoạt động trong tháng lễ Ramadan tại nhiều nước như Indonesia, Ai Cập, Iran... bị hạn chế nhưng ở mức độ khác nhau.
Các hoạt động trong tháng lễ Ramadan bị hạn chế vì dịch COVID-19 ảnh 1Người Hồi giáo ở Indonesia tham dự một buổi cầu nguyện. (Nguồn: AP)

Ngày 13/4, tại nhiều quốc gia Hồi giáo từ Indonesia tới Ai Cập, các tín đồ đã chính thức bắt đầu lễ tháng lễ Ramadan, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành nghiêm trọng.

Trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch COVID-19, Maria Van Kerkhove, cảnh báo thế giới đang ở giai đoạn quan trọng của đại dịch. Số ca nhiễm vẫn đang tăng mạnh bất chấp các nỗ lực tiêm phòng, cũng như các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh. Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới hiện đã lên gần 3 triệu người, trong khi tổng số ca nhiễm là hơn 137 triệu người.

Do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại nhiều khu vực trên thế giới, các hoạt động lễ hội tại nhiều nước bị hạn chế nhưng ở mức độ khác nhau.

Năm nay, Chính phủ Indonesia cho phép người Hồi giáo thực hiện các buổi cầu nguyện tại các địa điểm thờ tự, song giới hạn lượng người tham dự ở mức tối đa 50% với các quy trình y tế nghiêm ngặt.

Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas đã kêu gọi các chức sắc tôn giáo địa phương và ban quản lý các nhà thờ Hồi giáo trên khắp cả nước ban hành các hướng dẫn hành lễ an toàn cho người dân.

Bộ này khuyến khích các tín đồ khỏe mạnh dùng bữa tại nhà riêng cùng gia đình. Tuy nhiên, các sự kiện ăn uống chung vẫn có thể được tổ chức với 50% công suất tối đa.

Trong khi đó, thời lượng của các buổi cầu nguyện hoặc giảng đạo trong tháng Ramadan được giới hạn không quá 15 phút.

Tuy nhiên, tại các “vùng đỏ” và “vùng cam” - khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức cao và trung bình, tất cả các hoạt động này đều bị cấm hoàn toàn trong suốt tháng lễ.

Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia thông báo sẽ duy trì chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 trong suốt tháng lễ, trong đó tăng cường tiêm vaccine cho người cao tuổi nhằm phòng nguy cơ bùng phát các ca lây nhiễm sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr.

Tại Saudi Arabia, nơi có những thánh địa linh thiêng nhất của người Hồi giáo, chính quyền tuyên bố sẽ chỉ cho phép những người đã tiêm phòng COVID-19 thực hiện nghi lễ hành hương umrah từ khi bắt đầu lễ Ramadan.

Tại Ai Cập, các biện pháp hạn chế có phần ít nghiêm ngặt hơn so với năm ngoái, khi có nhiều người dân xuống đường để ăn mừng tháng lễ này.

[Saudi Arabia cho phép người miễn nhiễm SARS-CoV-2 hành hương đến Mecca]

Tại Iran, Văn phòng của Đại giáo chủ Ali Khamenei thông báo đã quyết định chọn ngày 14/4 là ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan. Các hoạt động tôn giáo sẽ diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải vật lộn chống lại làn sóng lây nhiễm thứ 4 của COVID-19.

Nhà chức trách cho rằng nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng mạnh là do người dân đi lại nhiều trong kỳ nghỉ lễ Năm mới của Iran. Tổng số ca nhiễm tại Iran hiện đã lên tới hơn 2 triệu ca, trong đó có gần 65.000 ca tử vong.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki đã hối thúc người dân ở nhà cầu nguyện. Ông nhấn mạnh việc cầu nguyện theo nhóm chỉ được phép tổ chức 1 lần mỗi ngày ở ngoài trời, các tín đồ phải áp dụng giãn cách, sử dụng khẩu trang với số người tham gia hạn chế.

Tương tự, người dân Pakistan cũng sẽ bắt đầu tháng lễ vào ngày 14/4. Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba đang bùng phát, chính phủ đã hối thúc các đền thờ chỉ cho phép các tín đồ cầu nguyện ngoài sân và tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Người Hồi giáo sử dụng lịch Mặt Trăng và dựa vào thời điểm Mặt Trăng mọc và lặn nên dẫn tới một số quốc gia khác nhau bắt đầu tháng lễ Ramadan lệch nhau một hoặc hai ngày. Trên khắp thế giới, người Hồi giáo ăn chay mỗi ngày trong suốt tháng lễ Ramadan, không dùng thức ăn và đồ uống từ bình minh đến chập tối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục