Các hãng dược phẩm ở Mỹ ấn định giá vaccine ngừa COVID-19

Theo Giám đốc điều hành các hãng sản xuất vaccine, các nhà sản xuất Mỹ đã định giá niêm yết đối với vaccine ngừa COVID-19 của từng hãng, dao động trong khoảng từ 120-130 USD một liều tiêm.
Các hãng dược phẩm ở Mỹ ấn định giá vaccine ngừa COVID-19 ảnh 1Trụ sở hãng dược Pfizer ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà sản xuất Mỹ đã định giá niêm yết đối với vaccine ngừa COVID-19 của từng hãng, dao động trong khoảng từ 120-130 USD một liều tiêm.

Giám đốc điều hành các hãng sản xuất vaccine đã công bố thông tin trên tại cuộc họp ban tham vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 12/9.

Cụ thể, Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức đã đưa ra mức giá 120 USD/liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi hãng dược phẩm Moderna của Mỹ định giá niêm yết là 129 USD/liều. Còn Hãng dược phẩm Novavax của Mỹ thông báo mức giá cao hơn một chút là 130 USD/liều.

Liên quan đến các chương trình hỗ trợ người dân Mỹ bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng ngày, Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ (GAO) công bố báo cáo cho thấy mức độ thiệt hại do các hành vi gian lận tiền trợ cấp cao hơn rất nhiều so với con số ước tính trước đó.

Trong báo cáo, cơ quan trên cho biết từ tháng 4/2020 đến hết tháng 5/2023, chính quyền các bang của Mỹ đã thanh toán khoảng 900 tỷ USD cho trợ cấp thất nghiệp.

[Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng, kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt]

Tuy nhiên, số hồ sơ gian lận xin trợ cấp thất nghiệp trong từng giai đoạn đã khiến tổng số hồ sơ mới được báo cáo lên Bộ Lao động Mỹ tăng "ảo." Theo đó, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2023, khoảng từ 100 tỷ USD đến 135 tỷ USD có thể đã được chi trả cho các hồ sơ gian lận.

Ước tính của GAO cao hơn gấp đôi hoặc hơn so với con số gần 56 tỷ USD mà các bang ước tính trước đó. Báo cáo cho rằng có thể sẽ không bao giờ biết được một cách chính xác và chắc chắn mức độ và quy mô gian lận.

Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ không đồng thuận với kết luận trên, lập luận rằng báo cáo của GAO dựa trên một mẫu nhỏ các hồ sơ xin trợ cấp bị nghi vấn theo chương trình Hỗ trợ Thất nghiệp do đại dịch của Mỹ.

Hồi đầu tháng Năm vừa qua, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.

Nhiều nhà kinh tế đánh giá số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang dần nới lỏng khi nền kinh tế bắt đầu cảm nhận được toàn bộ tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục