Thực tế hiện nay nguồn lợi hải sản tầng đáy chưa khôi phục đáng kể, cùng với việc ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy, bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tăng cường lấy mẫu, giám sát hải sản khai thác khi tàu cập bến, vì vậy không có hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào. Do đó, các hải sản khai thác về bến hiện nay đều là sản phẩm an toàn.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám tại cuộc Họp báo thông tin những vấn đề liên quan đến việc các biện pháp khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, do Bộ này tổ chức chiều nay (27/9), tại Hà Nội.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, tại Công văn số 7268/BNN-TCTS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, trong đó có việc khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển trừ 3 vùng biển mà Bộ Tài Nguyên Môi trường công bố chưa an toàn.
Ba khu vực này bao gồm khu vực hòn Sơn Dương - tỉnh Hà Tĩnh, cách bờ 1,5 km với diện tích 300km2; cửa Nhật Lệ - tỉnh Quảng Bình, cách bờ 1,5km với diện tích 330km2, hòn Sơn Chà - tỉnh Thừa Thiên Huế, cách bờ 1,5km với diện tích 160km2.
Tại Công văn này, Bộ Nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho hay, Bộ sẽ huy động lực lượng Kiểm ngư phối hợp với lực lượng thanh tra thủy sản, Bộ đội biên phòng các địa phương để tăng cường kiểm soát khai thác thủy sản vùng biển từ 20 hải lý trở vào ở các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
“Như vậy, nếu thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chúng ta sẽ giám sát tốt việc khai thác và trên thị trường chỉ còn sản phẩm hải sản an toàn,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cũng tiết lộ thêm: “Tại các khu vực vừa bị ảnh hưởng sự cố môi trường dẫn đến nguồn lợi bị cạn kiệt, chưa khôi phục nên chắc chắn không có cá để khai thác. Điều này đương nhiên cá khai thác ở khu vực khác thì sẽ ăn được và an toàn.”
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, Bộ Y Tế vẫn tiếp tục chỉ đạo lấy mẫu hải sản để xét nghiệm và thông báo kết quả cho cơ quan chức năng để chỉ đạo sản xuất và thông tin đầy đủ cho người dân biết, yên tâm sử dụng.
[Tiếp tục lấy mẫu hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý để xét nghiệm]
Mặt khác, theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường môi trường biển đang phục hồi tốt, cho nên việc lấy mẫu mang tính hỗ trợ, cảnh báo và phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất và quản lý về an toàn thực phẩm.
Tại cuộc Họp báo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho hay, Bộ Nông nghiệp cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Đề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.”
Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp sẽ hoàn thiện Đề án này và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cuối tháng 9, đầu tháng 10/2016.
“Hiện nay, các địa phương đang triển khai quyết liệt đảm bảo tuân thủ đúng trình tự thủ tục, phương pháp, nguyên tắc công khai minh bạch từ cơ sở để đáp ứng mong đợi của người dân,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ./.