Các giải pháp tốt giúp xuất khẩu lâm sản năm 2021 tăng 20%

Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% giá trị xuất khẩu toàn quốc và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN)

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ là 14,72 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ là 1,15 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% giá trị xuất khẩu toàn quốc và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Năm 2021, cả nước đã khai thác khoảng 32 triệu m3 gỗ, đạt 100% kế hoạch; trong đó, rừng trồng tập trung đạt 21,5 triệu m3;  từ trồng cây phân tán và cao su 10,5 triệu m3, tăng  6,7% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

[Xuất khẩu nông, lâm sản của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng gấp 2 lần]

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, năm 2021, ngành chế biến gỗ cũng bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Tổng cục Lâm nghiệp đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời.

Tổng cục cũng theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế; tổ chức các cuộc họp giao ban trực tuyến với các hiệp hội gỗ, lâm sản, các doanh nghiệp. Qua đó, tháo gỡ nhiều vướng mắc, giúp các doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn, nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng ngành.

Tổng cục Lâm nghiệp đã theo dõi và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam về xuất khẩu gỗ và đồ gỗ.

Năm 2022, những khó khăn về thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ cũng như dịch COVID-19 được dự báo vẫn phức tạp, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ cùng các doanh nghiệp vượt khó để đảm bảo sự tăng trưởng của ngành, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục