Các đường ngang "tử thần" chiếm 80% các vụ tai nạn đường sắt

Theo thống kê của ngành đường sắt, cả nước còn 4.211 đường ngang dân sinh trái phép, luôn thường trực và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mỗi khi chạy tàu.
Theo thống kê, cả nước còn 4.211 đường ngang dân sinh trái phép. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Liên quan đến các vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng nhiều người tại các đường sắt giao cắt với đường bộ (đường ngang), trao đổi với VietnamPlus, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, cả nước còn 4.211 đường ngang dân sinh trái phép, luôn thường trực và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mỗi khi chạy tàu.

Vào đầu giờ chiều ngày 24/4, tàu TN1 chạy hướng Bắc-Nam khi đến đường ngang dân sinh thôn Cảnh An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã tông mạnh vào xe ôtô 7 chỗ mang biển kiểm soát 78A-036.52 đang băng qua đường sắt.

[Bình Định: Tàu hỏa húc văng ôtô Innova, 6 người thương vong]

Địa điểm xảy ra tai nạn có đèn tín hiệu, không có rào chắn. Hậu quả của vụ tai nạn khiến sáu người đi trên ôtô thương vong. Trong đó, hai người tử vong tại chỗ.

Trước đó, vào ngày 18/3 vừa qua, xe tải Biển kiểm soát 77C-073.56 khi đến điểm giao nhau với đường sắt Bắc-Nam tại tỉnh Bình Định thì bị đoàn tàu SQN4 đang lao đến tông vào làm một người tử vong và 1 một người bị thương. Chiếc xe tải bị đoàn tàu đẩy đi trên đường ray hơn 300 m vỡ nát, dính chặt vào đầu tàu lửa khiến đường sắt đoạn qua khu vực này bị tê liệt.

Đặc biệt, trong ngày 4/2, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, hồi 15 giờ 20 phút, tại đường ngang dân sinh (phòng vệ bằng biển báo) Km98+812 trên đường sắt Bắc-Nam thuộc địa bàn huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), tàu TN1 va vào một ôtô 16 chỗ ngồi, hậu quả 1 người chết tại chỗ (lái xe), 5 người bị thương.

[Xe chở 14 người đâm vào tàu hỏa, 6 người thương vong]

Vào hồi 16 giờ 5 phút tại đường ngang Km21+500 trên đường sắt Hà Nội-Hải Phòng thuộc địa bàn Lạc Đạo, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên), tàu LP5 va vào xe ôtô 4 chỗ ngồi vượt đường ngang dân sinh, hậu quả làm 1 người bị thương nặng, 2 người bị thương.

Theo ông Minh, hệ thống đường sắt hiện có 5.726 đường ngang giao cắt đồng mức trong đó 1.515 đường giao cắt hợp pháp do Tổng công ty Đường sắt quản lý thì có 507 đường giao cắt đang sử dụng đèn tín hiệu đèn cảnh báo và chưa có cần chắn tự động.

“Tổng công ty Đường sắt đã báo cáo Chính phủ để đề xuất xin nguồn vốn đảm bảo an toàn giao thông làm các cần chắn tự động để từ tự giác ý thức trở thành cưỡng bức đối với người tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn,” người đứng đầu ngành đường sắt nhấn mạnh.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin nguồn vốn trung hạn trái phiếu Chính phủ cho ngành đường sắt là 7.000 tỷ để tập trung vào nâng cao kết cấu chạy tàu và các đường ngang trong đó khai thác đồng đều tải trọng toàn tuyến; kéo dài 1 số các đường ga (hiện đường ga tối đa dài có 400m, tàu tránh chỉ được đoàn tàu 19 toa với năng lực 16 đôi tàu/ngày đêm) nên phải kéo dài thêm 500m để nâng năng lực thông qua 25 đôi tàu/ngày đêm, mở thêm các ga mới để tránh nhau; xử lý các tuyến đường gom, rào chắn, barie để đảm bảo khai thác an toàn.

[Tai nạn đường sắt: “Tử thần" rình rập ở hàng nghìn đường ngang]

Tiết lộ cả nước còn tới 4.211 đường ngang dân sinh trái phép, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt cho biết, đơn vị đã có báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo rà soát các điểm đen bố trí người canh gác, cảnh giới, thu gom làm đường gom, gờ giảm tốc, tăng cường biển cảnh báo để giảm tai nạn giao thông.

“Ngày 15/6 tới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và ngành đường sắt sẽ làm việc với các địa phương để giải quyết các đường ngang dân sinh theo hướng giảm hoặc không tăng để đảm bảo an toàn vì tàu chạy đường ưu tiên,” ông Minh nói.

Theo con số thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trung bình cứ 1km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt (đường sắt tổng chiều dài hơn 3.100km có tới 5.726 đường ngang) và 80% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt.

Chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông gia tăng thời gian qua, theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do ý thức của người tham gia giao thông chủ yếu tập trung vào các hành vi vi phạm pháp luật về người điều khiển phương tiện giao thông qua điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, hệ thống đường gom, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt chưa được đầu tư xây dựng kịp thời trong khi đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp...

Thậm chí, nhiều vị trí đường ngang chưa có gờ giảm tốc, vạch dừng trên phần đường bộ; tầm nhìn tại các điểm giao cắt đường sắt-đường bộ bị hạn chế, các địa phương chưa vào cuộc tích cực trong phối hợp thực hiện các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông đường sắt…

Và, hàng nghìn đường ngang, lối đi dân sinh luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt và “tử thần” có thể gọi tên bất cứ lúc nào nếu chỉ trông đợi vào riêng nỗ lực của ngành đường sắt trong khi chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt và ý thức lái xe, người dân chưa được nâng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục