Xác định công tác giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, Bộ Giao thông Vận tải liên tục có các cuộc họp, văn bản, chỉ đạo điều hành để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra.
Giải ngân ngay các dự án triển khai thi công
Theo đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao, phân bổ vốn đầu tư năm 2021 của bộ khoảng 43.401 tỷ đồng, gồm 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm (trong đó 38.159 tỷ đồng vốn trong nước, 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài) và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.
Tính đến hết tháng 7/2021, cơ quan này đã giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng (đạt 44,1%), cao hơn so với mức bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương (32,69%). Dự kiến, đến hết tháng Tám này, lũy kế giải ngân của bộ là khoảng 21.390 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch cả năm.
Là đơn vị “đầu tàu” giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải trong năm nay khi được giao hơn 8.300 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% khối lượng giải ngân của Bộ), báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay đến hết tháng 7/2021, đơn vị đã giải ngân hơn 5.548 tỷ đồng, đạt 65,3% kế hoạch. Dự kiến, cuối tháng Tám, giá trị giải ngân của đơn vị này là hơn 6.300 tỷ đồng, đạt hơn 76% kế hoạch cả năm.
“Giá trị giải ngân của đơn vị từ đầu năm đến nay tập trung chủ yếu tại các dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long,... Ban phấn đấu hết năm 2021 sẽ giải ngân đạt trên 95% vốn kế hoạch được giao,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long quả quyết.
Khẳng định các nhà thầu thi công đến đâu, có sản lượng nghiệm thu đều được ban giải ngân ngay, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cho biết hồ sơ nghiệm thu khối lượng của nhà thầu được gửi qua đường bưu điện. Sau khi nhận được hồ sơ, ban cho rà soát để thanh toán ngay cho nhà thầu. Công tác thanh toán, giải ngân cho các nhà thầu hiện không có gì vướng mắc.
[Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn Bộ GTVT cao vượt trội so bình quân cả nước?]
Dự kiến, kết thúc tháng Tám, giá trị giải ngân lũy kế của Ban Quản lý dự án 6 đạt khoảng 1.168 tỷ đồng (bằng 56%), khối lượng tập trung chủ yếu ở hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt.
“Mấu chốt giải ngân là việc phải chạy, dự án phải có sản lượng thi công và khối lượng nghiệm thu thanh toán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách đã tác động không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án. Điều này buộc các chủ đầu tư, ban quản lý phải đưa ra những giải pháp mới vừa thi công, vừa phòng dịch trên công trường để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 nói.
Lập tổ công tác đặc biệt thúc giải ngân
Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021 còn khoảng 24.000 tỷ đồng, trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, mùa mưa bão diễn ra từ nay đến cuối năm sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục, công trình thi công theo từng tuần, từng tháng tương ứng với khối lượng giải ngân; tập trung huy động thiết bị, nhân lực, tăng cường các mũi thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công; chủ động sản xuất, tập kết vật liệu, lắp dựng trạm trộn,… có các giải pháp phù hợp, linh hoạt để chỉ đạo, điều hành triển khai các dự án ở hiện trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cơ quan này cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
[Bộ Giao thông Vận tải đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công]
Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng nhất để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cơ quan tham mưu liên quan.
Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch-Đầu tư phối hợp Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẩn trương tham mưu thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng là Tổ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm là Tổ phó.
“Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công,” Bộ trưởng khẳng định.
Nhấn mạnh thông tin vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu đến ngày 30/9, tất cả các chủ đầu tư các dự án phải giải ngân tối thiểu 60%, do đó, Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải nâng cao sự giám sát, điều phối, cố gắng điều hành công tác xây dựng cơ bản để đạt kết quả tốt nhất, nâng cao tỷ lệ giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra./.