Liên minh an ninh quân sự đóng vai trò trọng tâm trong việc giúp Mỹ duy trì vị thế bá chủ thế giới.
Thế nhưng chính quyền Mỹ đương nhiệm lại liên tục đòi các đồng minh thân cận của mình phải trả thêm các khoản chi phí lớn để đổi lấy sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ của những nước này.
Hành động đó của Mỹ có thể gây ra những tác động rất lớn, làm thay đổi đáng kể cục diện quân sự của Mỹ tại các nước.
Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị có trụ sở tại Mỹ, số ra mới đây có bài viết, trong đó phân tích về khả năng ba đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức sẽ đối phó với những đòi hỏi của Washington như thế nào; nước nào ở thế buộc phải chấp nhận tăng chi phí để được Mỹ bảo hộ quân sự và nước nào có khả năng chấp nhận để quân đội Mỹ rời khỏi lãnh thổ của mình.
Do Mỹ giữ vị trí trung tâm trong các chiến lược an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc cho nên Washington đứng ở vị trí rất thuận lợi để có thể đòi hỏi các nước này phải trả thêm nhiều khoản tiền hơn nữa. Thế nhưng nếu Mỹ cũng áp dụng chiêu này với Đức, thì chính Mỹ sẽ đẩy nước đồng minh châu Âu thân cận này ra xa.
Nhiều báo cáo đưa ra trong tháng này đã hé lộ thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã yêu cầu Hàn Quốc phải trả tới 4,7 tỷ USD cho năm tới, tăng 400% so với mức Hàn Quốc hiện đang trả nếu muốn Mỹ tiếp tục bảo hộ quân sự.
Một nguồn tin khác nổi lên hồi tháng Bảy cũng cho thấy Mỹ đã yêu cầu Nhật phải tăng mức chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ lên gấp 4 lần, tương đương 8 tỷ USD, sau khi Hiệp định Các giải pháp Đặc biệt (Special Measures Agreement) của hai nước hết hạn vào tháng 3/2021.
Những thông tin này lộ ra đúng vào thời điểm Mỹ đang chuẩn bị ép các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là Đức, phải trả thêm nhiều chi phí hơn nữa để có được sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu lục này. Những đòi hỏi mới nhất của Mỹ không phải là những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo về sự thay đổi chính sách của Mỹ.
Hồi tháng Ba, hãng tin Bloomberg đưa tin, theo hướng dẫn của Nhà Trắng, nội các của ông Trump đã soạn thảo các yêu cầu để Đức và Nhật Bản không những phải trả toàn bộ chi phí duy trì lực lượng quân sự Mỹ ở hai nước này, mà còn phải trả thêm 50% số tiền đó.
Công thức tương tự như thế lúc đầu cũng được Mỹ đưa ra để đàm phán Hiệp định các Giải pháp Đặc biệt với Hàn Quốc vào năm 2018, nhưng sau đó Mỹ đã rút lại.
Hồi tháng 6/2019, tờ Washington Post đưa tin Lầu Năm Góc đang tiến hành phân tích những ảnh hưởng có thể xảy ra nếu Mỹ rút quân trên quy mô lớn khỏi Đức, khiến các quan chức châu Âu một phen hốt hoảng phải đề nghị các đối tác Mỹ có lời giải thích về động thái trên.
Mặc dù Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cân nhắc lại kế hoạch và cũng giảm bớt một số yêu cầu, Nhà Trắng và bản thân ông Trump vẫn cương quyết tiến tới đàm phán những gì mà họ cho là tương xứng với việc Mỹ đưa quân đến đóng tại các nước đồng minh giàu có.
Nghiên cứu của Lầu Năm Góc về khả năng Mỹ rút quân khỏi Đức cũng nhấn mạnh ý rằng Mỹ sẽ thực sự sẵn sàng rút quân nếu đàm phán thất bại. Những đòi hỏi của Mỹ tăng chi phí gửi quân tới bảo hộ quân sự cho các nước đồng minh không phải là câu chuyện mới và việc này cũng sẽ không chấm dứt kể cả khi ông Trump rời nhiệm.
Thế nhưng, vấn đề là ông Trump và chính quyền hiện tại của ông lại đẩy vấn đề này lên cao, coi đó là một phần trọng tâm trong mối quan hệ với các nước đồng minh.
[Ngoại trưởng Lavrov: Nga quan ngại quân đội Mỹ hiện diện tại Nhật Bản]
Nếu căn cứ theo lịch đàm phán thì Hàn Quốc khó có cơ hội trì hoãn việc phải chi thêm tiền cho Mỹ, trong khi Nhật và Đức vẫn còn có thời gian để cân nhắc từ từ cho đến năm 2021, lựa xem quan điểm của chính quyền Mỹ mới có đỡ căng thẳng hơn trong việc giải quyết vấn đề này hay không.
Nhưng dù thế nào thì ít nhất trong năm tới và khả năng cao là nhiều năm tiếp theo, những đòi hỏi của Mỹ nhằm thay đổi các hiệp định đưa quân đi bảo hộ các nước đồng minh chủ chốt có thể gây ra các tác động rất lớn.
Hàn Quốc: Phụ thuộc nhưng tham vọng ngày càng cao
Hiện Hàn Quốc thấy mình ở vị trí yếu thế khó có thể cưỡng lại những yêu cầu của Mỹ. Sau khi đã đồng ý trả Mỹ thêm 8,2% sau khi kết thúc vòng đàm phán Hiệp định các Giải pháp Đặc biệt hết sức gay go vào năm 2018, Hàn Quốc giờ lại đối mặt với yêu cầu của phía Mỹ đòi tăng khoản chi phí quân sự này lên 400%.
Tiến trình đàm phán bắt đầu theo cách không được suôn sẻ: ngày 19/11, các quan chức trong nhóm đàm phán của Mỹ đã ngừng đàm phán khi thấy sẽ không thể đạt được tiến triển ở thời điểm này.
Thế nhưng, cuối cùng Hàn Quốc cũng sẽ vẫn phải ký được một thỏa thuận bởi mặc dù nước này có sức mạnh quân sự đáng kể, chiến lược quốc phòng của Hàn Quốc lại phụ thuộc khá nhiều vào quân đội Mỹ và lực lượng 28.500 quân Mỹ hiện đang đóng trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù nhìn chung Hàn Quốc có thể mạnh hơn Triều Tiên nhưng nếu có bất kỳ cuộc xung đột quân sự lớn nào xảy ra với Triều Tiên thì Hàn Quốc cũng sẽ phải dựa vào quân đội Mỹ, nhất là khả năng thu thập thông tin tình báo, chỉ huy và điều khiển của Mỹ cũng như lực lượng hải quân và không quân của Mỹ.
Những năng lực này đóng vai trò hết sức quan trọng để có thể vô hiệu hóa khả năng tấn công của Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng có thể gây ra những tổn thất nặng nề cho người dân và nền kinh tế Hàn Quốc.
Tiềm năng tên lửa và hạt nhân ngày càng mạnh của Triều Tiên cũng khiến vai trò đảm bảo quốc phòng của Mỹ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những đòi hỏi về chi phí quá cao của Mỹ cũng thúc đẩy Hàn Quốc muốn độc lập hơn về khả năng quốc phòng, nhất là các lãnh đạo nước này thuộc phe cánh tả.
Hàn Quốc hiện đã bắt đầu triển khai nhiều hạng mục để giảm bớt phụ thuộc quân sự vào Mỹ bằng cách kiện toàn khả năng phòng thủ, thậm chí một số quan chức của Hàn Quốc còn kêu gọi mua vũ khí hạt nhân.
Thế nhưng để có tiềm lực độc lập về quốc phòng phải cần tới vài thập kỷ, cho nên để có thể dứt bỏ, không cần Mỹ bảo hộ ngay lập tức là điều quá khó với Hàn Quốc dù hiện tại Hàn Quốc đang phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng quá quắt của phía Mỹ.
Nhưng cũng chính các cuộc đối thoại căng thẳng sẽ khiến Hàn Quốc có thêm động lực để tiến tới tự chủ hơn về quốc phòng bởi nếu đàm phán bế tắc thì ông Trump đương nhiên sẽ đơn phương cắt giảm lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Hàn Quốc.
Nhật Bản buộc phải ra giá mặc cả
Nhật Bản phụ thuộc khá nhiều vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ và cũng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng phải đối mặt với những đòi hỏi của Mỹ rằng Tokyo phải trả thêm những khoản tiền rất lớn.
Theo trang Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) số ra tháng Bảy, Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản tăng khoản chia sẻ chi phí quân sự lên gấp 4 lần, tương đương 8 tỷ USD kể từ tháng 3/2021.
Nhật Bản là một nước mạnh về quân sự. Thế nhưng các lực lượng vũ trang của Nhật Bản từ lâu lại tập trung thiên về khả năng phòng vệ và Tokyo mới chỉ bắt đầu tích lũy và triển khai hỏa lực tấn công gần đây.
Trong khi đó, Nhật Bản phụ thuộc vào khoảng 50.000 quân Mỹ đóng trên lãnh thổ của mình để hỗ trợ đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Những mối đe dọa này, nhất là mối đe dọa từ Trung Quốc, đang trỗi dậy và sẽ khiến Nhật Bản, cũng giống như Hàn Quốc, không dám ngừng hợp tác với Mỹ kể cả khi Washington yêu sách mức chi phí bảo hộ quân sự cao hơn rất nhiều.
Mặc dù Nhật Bản sẽ cố để đạt được một thỏa thuận phù hợp hơn những gì Washington đang đòi hỏi, nhưng thực ra nước này lại là một trong những đồng minh dễ bị Mỹ ép bởi Nhật Bản vừa giàu có lại vừa cần phải hợp tác chặt chẽ với Mỹ.
Tokyo cũng có thể dùng chính sức ép của Mỹ để kêu gọi các nhà làm luật trong nước thông qua việc đẩy nhanh đầu tư cho quân sự, với lý lẽ rằng lực lượng quân sự tinh nhuệ hơn sẽ khiến Nhật Bản tự chủ hơn trong việc đối phó với các nguy cơ an ninh.
Mặc dù từ lâu Washington muốn Tokyo làm được điều đó nhưng việc Nhật Bản phát triển khả năng quân sự lại đặt ra một số mối lo ngại đối với Washington, chẳng hạn như nguy cơ Nhật Bản kéo Mỹ vào một cuộc xung đột chẳng hạn.
Mỹ sẽ dời quân khỏi Đức? Đức hiện ở vị thế tốt hơn nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc chống lại các yêu cầu tăng chi phí bảo hộ quốc phòng của Mỹ mà Washington định ép NATO, nhất là ép Berlin vào năm 2020.
Cũng giống như Hàn Quốc và Nhật Bản, Đức hiện có khoảng 34.000 quân Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của mình nhưng khác với hai nước châu Á này, Đức khá an toàn và không phải đối mặt với nguy cơ quân sự nào trước mắt. Cũng khác với Nhật và Hàn, phần lớn người Đức phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước họ.
Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy khoảng 2/3 người Nhật Bản và người Hàn Quốc ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước họ, trong khi cuộc trưng cầu ý dân YouGov2018 do hãng tin DPA khảo sát lại cho thấy có tới 42% người dân Đức được hỏi muốn quân đội Mỹ ra khỏi nước họ và khoảng 37% người được hỏi muốn quân đội Mỹ ở lại.
Người Đức thường nhìn nhận việc Mỹ đóng quân trên đất nước họ chủ yếu phục vụ cho lợi ích về chính sách đối ngoại của Mỹ chứ không phải vì nước Đức. Và trên thực tế, những cơ sở hạ tầng quân sự mà Mỹ xây dựng ở Đức từ nhiều thập kỷ qua, gồm cả sân bay trực thăng và bệnh viện dã chiến, đều được Mỹ sử dụng khá nhiều trong cuộc chiến ở Trung Đông và Afghanistan.
Những yếu tố này khiến Đức trở thành nước có khả năng bác lại các yêu cầu đòi tăng tiền của Mỹ nhất trong ba nước bị ép và Đức sẵn sàng chấp nhận việc Mỹ rút bớt quân khỏi Đức. Một lý do nữa khiến Đức khá cương quyết không nhân nhượng là bởi Đức biết rằng nơi khả thi nhất mà quân Mỹ có thể chuyển đến sau khi dời khỏi Đức là nước láng giềng Ba Lan.
Về phần mình, Ba Lan đang tích cực vận động để có thêm nhiều quân Mỹ đến đóng ở đây và đã đề nghị sẽ trả một khoản khá hậu hĩnh để thu hút quân Mỹ.
Và bởi mối quan ngại về an ninh lớn nhất của Đức là Nga cho nên nếu quân Mỹ chuyển tới đóng ở Ba Lan, thì Berlin lại có được thứ mình muốn mà lại không phải trả tiền. Tuy nhiên, kịch bản này cũng đi kèm với cái giá phải trả khá đắt là quan hệ của Berlin với Washington sẽ tồi đi rất nhiều./.