Các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập thị trường Italy

Người Trung Quốc ngày càng tích cực hơn trong việc thâm nhập vào nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro bằng các hoạt động trong lĩnh vực thương mại.
Các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập thị trường Italy ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: tripadvisor.co.uk)

Người Trung Quốc ngày càng tích cực hơn trong việc thâm nhập vào nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro bằng các hoạt động trong lĩnh vực thương mại.

Đó là kết luận đưa ra trong một nghiên cứu của Hiệp hội ngành nghề thủ công Mestre (Cgia) về những đóng góp của các doanh nghiệp người nhập cư trong nền kinh tế Italy.

Theo Cgia, cơ quan chuyên thu thập và phân tích các thông tin trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy, kể từ năm 2009 đến nay, số lượng doanh nghiệp do người Hoa làm chủ ở nước này đã tăng 39,2%, tỷ lệ tăng cao nhất trong các cộng đồng người nhập cư.

Các doanh nghiệp Hoa kiều ở Italy hoạt động mạnh nhất trong lĩnh vực thương mại, tập trung vào kinh doanh đồ gia dụng, dệt may, nhà hàng, khách sạn và quán bar.

Gần đây, người ta chứng kiến một xu hướng mới: sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc con người (làm tóc, làm nail và massage), với mức tăng trưởng 22,4% vào năm ngoái, lên 4.100 doanh nghiệp.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp do người Trung Quốc sở hữu chỉ đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp của người nhập cư đang hoạt động ở Italy, nhưng Cgia ghi nhận Hoa kiều là cộng đồng tham dự nhiều nhất vào các hoạt động kinh doanh.

Hơn 1/4 trong tổng số 265.800 người Hoa nhập cư ở Italy tham gia các hoạt động làm ăn buôn bán.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008 đến nay cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và doanh thu của họ.

Theo ước tính của Cgia, trong ba năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc ở Italy sút giảm 69,4% doanh thu, cao gấp ba lần mức lỗ trung bình của các công ti do cộng đồng nhập cư nói chung sở hữu.

Số kiều hối năm 2012 đạt 2,67 tỷ euro, nhưng đến năm 2014, Hoa kiều chỉ gửi về nước được 820 triệu euro.

Tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp Italy trong tổng doanh thu của các công ty của người nhập cư cũng giảm từ 39,1% năm 2012 xuống còn 15,4% năm ngoái.

Hiện tại, cộng đồng người Maroc vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của người nhập cư tại Italy, với 74 nghìn, chiếm 10% trong 733.500 doanh nghiệp, đứng trên Rumania (70.000 doanh nghiệp).

Theo Cgia, bất chấp khủng hoảng kinh tế ở Italy, số doanh nghiệp người nhập cư năm 2014 vẫn tăng 4,1% so với năm trước đó.

Trong khoảng thời gian đó, cộng đồng có mức tăng trưởng cao nhất là Bangladesh, 19%, chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh các nhà hàng nấu theo kiểu Ấn Độ.

Theo thống kê của Bộ phát triển kinh tế Italy, năm ngoái, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của người nhập cư đã nộp thuế 45 tỷ euro, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục