Tại chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Nanchengxiang ở Bắc Kinh, các thực khách tự phục vụ buffet sáng với ba món là cháo, súp chua cay, và sữa. Tất cả có giá 3 nhân dân tệ (khoảng 9.500 đồng).
Đó là những gì giúp hình dung về tình trạng giảm phát tại Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu dùng thấp đang đưa đến sự cạnh tranh về giá giữa các chuỗi nhà hàng bình dân ở Trung Quốc, điều mà các nhà phân tích cho là có thể gây khó khăn cho các chuỗi nhà hàng nhỏ.
Như những gì đã diễn ra tại Nhật Bản vào những năm 1990, giảm phát nếu kéo dài có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
[Lần đầu tiên trong hơn 2 năm, Trung Quốc chính thức rơi vào giảm phát]
Giám đốc quản lý tại China Market Research Group (Thượng Hải), Ben Cavender, cho rằng việc giảm giá sẽ thu hút khách hàng nhưng gây sức ép lên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Không như các nước phương Tây, người Trung Quốc gần như phải tự lo liệu về kinh tế trong thời gian bùng phát dịch, khi sự hỗ trợ của chính phủ chủ yếu dành cho lĩnh vực sản xuất.
Khi những hạn chế được dỡ bỏ, chi tiêu tiêu dùng không tăng mạnh ngay lập tức như các nhà kinh tế dự báo.
Khi lương và lương hưu hiếm khi tăng và thị trường việc làm vẫn rất không chắc chắn, nhu cầu chi tiêu bị hạn chế và khi nền kinh tế tăng trưởng chậm, lòng tin của người tiêu dùng thấp.
Nhà phân tích về thực phẩm và đồ uống và là Phó Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Đông, Zhu Danpeng, cho rằng chiến lược giảm giá là phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.
Xishaoye, một thương hiệu nhượng quyền hamburger tại Bắc Kinh cũng đã giảm giá, với một số món chỉ có giá 10 nhân dân tệ.
Yum China, công ty quản lý KFC tại Trung Quốc, cũng hấp dẫn khách hàng với một thực đơn hamburger, đồ ăn nhẹ và đồ uống với giá 19,9 nhân dân tệ./.