Bán hàng thông qua livestream, một kênh mua sắm trực tuyến giống như kênh truyền hình thường được tổ chức bởi những người có ảnh hưởng hoặc những người nổi tiếng trên Internet, đã ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong bốn năm qua.
Và xu hướng này cũng bắt đầu mở rộng tại Nhật Bản do những tác động của đại dịch COVID-19. Song các công ty tại nước này gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng nội địa thay đổi thói quen mua sắm.
Trích dẫn dữ liệu do công ty kiểm tóan quốc tế KPMG và chi nhánh nghiên cứu của Alibaba AliResearch, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết thị trường thương mại điện tử thông qua kênh livestream của Trung Quốc ước tính sẽ tăng lên 2.000 tỷ NDT (309 tỷ USD) vào năm 2021.
Giữa lúc nhu cầu từ nội địa và khác du lịch quốc tế suy giảm vì đại dịch COVID-19, các công ty Nhật Bản khác đã bắt đầu bán sản phẩm cho người tiêu dùng Trung Quốc thông qua các kênh live stream để bù lỗ doanh thu và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Một ví dụ được đưa ra là nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido Co. đang mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc, sau khi nhu cầu trang điểm giảm mạnh vì nhiều phụ nữ bắt đầu làm việc từ xa và đeo mặt nạ khi ra khỏi nhà.
["Sóng" COVID-19 "cuốn trôi" hy vọng hồi phục của kinh tế Nhật Bản]
Công ty đã tiến hành buổi live stream đầu tiên ở nước ngoài thông qua Tmall Global cho chương trình giảm giá Ngày Độc thân của Alibaba, thường được tổ chức vào ngày 11/11 hàng năm. Đây là một trong những sự kiện mua sắm trực tuyến kéo dài 24 giờ lớn nhất thế giới, thu về tổng cộng 498,2 tỷ NDT doanh số bán hàng trong năm ngoái.
Theo thông tin từ Shiseido, hơn 300.000 khán giả đã theo dõi buổi livestream giới thiệu thương hiệu mỹ phẩm "Maquillage" của họ, giúp Shiseido đứng đầu trong số các công ty livestream vào cùng một khoảng thời gian.
Các công ty Nhật Bản cũng đang hy vọng quảng bá hoạt động thương mại điện tử thông qua live stream cho khách hàng trong nước. Tuy nhiên, hiện rất ít người tiêu dùng Nhật Bản quen với phương thức mua sắm này, khiến một số công ty thương mại điện tử lớn như nhà điều hành ứng dụng mua bán đồ cũ trực tuyến Mercari Inc., phải ngừng dịch vụ bán hàng qua live stream đắt đỏ của họ.
Như một phần trong nỗ lực khuyến khích các hoạt động live stream, Dentsu Tec Inc., công ty con của nhà quảng cáo lớn nhất Nhật Bản Dentsu Inc., đã ra mắt dịch vụ "Influencer Commerce Solution" vào tháng 10/2020.
Dịch vụ trên hỗ trợ các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng thông qua live stream, bằng cách sử dụng những người có ảnh hưởng trên Internet thay cho những nhà quảng cáo truyền thống – những người vốn khó có thể thúc đẩy doanh số bán hàng cũng như nhận thức về thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng về lâu dài.
Tuy nhiên, chuyên gia Hideki Tanaka thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tương lai Fujitsu cho biết thách thức của thị trường thương mại điện tử Nhật Bản là thu hút thêm nhiều người tham gia và tạo ra nội dung có thể giữ chân khách hàng.
Một số chuyên gia khác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính tương tác trong việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng thông qua live stream. Họ cho rằng tiềm năng tăng trưởng của mảng live stream là rất lớn, vì kênh này cho phép các công ty tương tác với khách hàng thực tế một cách nhanh chóng và trực tiếp./.