Tờ Japan Times vừa đăng tải bài phân tích của tác giả Shin Kawashima, Giáo sư của Đại học Tokyo, về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc của Chính phủ Nhật Bản, trong đó khẳng định chính sách này không đồng nghĩa với việc Tokyo đang kích động làn sóng thoát Trung Quốc.
Ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản thông báo chuyến thăm được mong chờ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước này sẽ bị hoãn. Thông tin này không gây ngạc nhiên bởi vào thời điểm đó, tình hình lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày càng phức tạp.
Cùng ngày, vào lúc 17 giờ 15 phút, Thủ tướng Abe đã đưa ra tuyên bố như sau tại cuộc họp lần thứ 36 của Hội đồng Đầu tư cho Tương lai tại Văn phòng Thủ tướng rằng “có một số quan ngại về các tác động của sự sụt giảm nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc đến Nhật Bản trên các chuỗi cung ứng của chúng ta.
Trong bối cảnh đó, đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và đối với những sản phẩm mà chúng ta đang phải phụ thuộc nhiều vào một quốc gia duy nhất, chúng ta dự định sẽ di chuyển các cơ sở sản xuất về Nhật Bản.
Đối với các sản phẩm không nằm trong nhóm này, chúng ta hướng tới mục tiêu tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất và đa dạng hóa cơ sở sản xuất sang nhiều nước, trong đó có các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)."
Một ngày sau đó, Tokyo đã thông báo siết chặt các biện pháp quản lý nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định, Thủ tướng Abe công bố chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc xuất phát từ các quan ngại về việc các chuỗi cung ứng của Nhật Bản đang phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Sau đó, chính sách này đã được định hình trong dự thảo ngân sách sửa đổi có tổng trị giá 16.800 tỷ yen được công bố hôm 7/4 vừa qua.
Ngân sách này bao gồm số tiền 248,6 tỷ yen để chi cho các nỗ lực cải tổ các chuỗi cung ứng mong manh của Nhật Bản. Mục tiêu của chính sách này là hỗ trợ tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản di chuyển các trung tâm sản xuất về nước hoặc đa dạng hóa sang các quốc gia châu Á khác.
[Nhật-Trung nhất trí hoãn chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình]
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc khẳng định rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không dễ dàng rút khỏi Trung Quốc và rằng các hành động như vậy sẽ không có lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản nhận thức rõ các rủi ro trong các biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc thực hiện khi dịch COVID-19 bùng phát, nhất là sự thiếu bảo đảm cho các quyền của các doanh nghiệp hay lao động của họ.
Hơn thế nữa, quan hệ Nhật-Trung có vẻ đang tốt nên Chính phủ Nhật Bản đã có thể cử máy bay thuê bao tới thành phố Vũ Hán để sơ tán công dân nước này. Nếu quan hệ này xấu đi, nhiều nhân viên của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại thành phố bị phong tỏa này.
Tất nhiên, có khả năng có một vài doanh nghiệp đang chuẩn bị để giảm bớt rủi ro vì lệ thuộc vào Trung Quốc. Thông báo của Thủ tướng Abe có thể được coi là phản ánh suy nghĩ đó của giới doanh nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, chính sách của Chính phủ là di chuyển các cơ sở sản xuất về Nhật Bản và để tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất thông qua việc đa dạng hóa các địa điểm đặt các cơ sở sản xuất, chứ không phải là cắt đứt các chuỗi cung ứng giữa Nhật Bản và Trung Quốc bởi vì, không phải tất cả các doanh nghiệp Nhật Bản đều sẵn sàng rút khỏi Trung Quốc.
Trên thực tế, xu hướng di chuyển của các cơ sở sản xuất và đa dạng hóa các sản phẩm đang lệ thuộc vào Trung Quốc hầu như không phải là một hiện tượng mới, mà thực chất, đã diễn ra ở mức độ nhất định. Điều đó không có nghĩa Chính phủ Nhật Bản đột ngột khởi động ý đồ thoát Trung.
Hành động này đơn giản có nghĩa rằng Tokyo sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc nếu họ muốn dịch chuyển cơ sở sản xuất về nước vì dịch bệnh với một số điều kiện kèm theo. Nói cách khác, các chuỗi cung ứng giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn sẽ tồn tại, thị trường Trung Quốc vẫn quan trọng và Nhật Bản không kích động làn sóng thoát Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách mới được đề cập trong thông báo của Thủ tướng Abe và ngân sách sửa đổi có ý nghĩa quan trọng. Một số nhà quan sát của Mỹ đã bày tỏ sự tán đồng với chính sách này và Trung Quốc rõ ràng đã lưu ý tới chính sách đó.
Nếu Chính phủ Nhật Bản không làm rõ ý định của mình liên quan tới chính sách này, điều đó có thể “đổ thêm dầu vào lửa” vào tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc./.