Các doanh nghiệp châu Âu lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2021

Khi được hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới tới, 57% thành viên EuroCham tham gia khảo sát dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021.
Các doanh nghiệp châu Âu lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2021 ảnh 1Dây chuyền sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH dệt Phú Thọ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 3/2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố kết quả chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index - BCI) mới nhất, cho thấy các doanh nghiệp châu Âu kết thúc năm 2020 với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, ghi nhận ở mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19.

Cụ thể, BCI tăng 6 điểm trong quý 4/2020, đạt 63,6 điểm phần trăm khi kết thúc năm 2020 với kết quả cao. Tổng cộng chỉ số này đã tăng 37 điểm kể từ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức điểm thấp kỷ lục trong quý 1/2021 với sự bùng phát dịch COVID-19 lần thứ nhất.

Trong thời gian qua, BCI đã duy trì mức tăng trưởng tích cực khi Việt Nam đối phó thành công với đại dịch và kết hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đồng thời cải thiện niềm tin vào nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Khi được hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, 57% thành viên EuroCham tham gia khảo sát dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021. So với 39% trong quý 3/2020, sự tự tin về triển vọng kinh tế tăng tới 18%.

Còn đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp, lãnh đạo các công ty châu Âu tỏ ra tích cực và lạc quan hơn trong quý 4, trong đó có 1/3 thành viên EuroCham dự đoán số lượng nhân viên của họ sẽ tăng lên trong quý tiếp theo và 57% dự đoán sẽ duy trì mức tương tự.

Trong khi đó, có 30% người tham gia khảo sát dự đoán đầu tư sẽ phát triển và 43% dự đoán các đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng trưởng.

[Báo Campuchia đánh giá Việt Nam là câu chuyện thành công về kinh tế]

Với việc Hiệp định EVFTA đã đi vào hiệu lực, EuroCham cũng khảo sát các thành viên về nhận thức của họ về tác động của Hiệp định đối với hoạt động kinh doanh của họ. Tín hiệu đáng khích lệ là có 70% doanh nghiệp cho biết đã được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA kể từ khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuy nhiên, có 33% doanh nghiệp cũng cho rằng “thủ tục hành chính” sẽ là thách thức chính để họ tối ưu lợi thế từ EVFTA.

Theo Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier, kết quả BCI mới nhất là một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng năm 2021. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nền kinh tế ngày càng được củng cố là minh chứng cho việc Chính phủ Việt Nam xử lý thành công đại dịch COVID-19 và hợp tác xúc tiến Hiệp định EVFTA, tạo ra một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế-xã hội 5 năm tới của Việt Nam.

"Trong khi đó, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng sự tăng trưởng thương mại và đầu tư mà Hiệp định EVFTA sẽ mang lại đồng thời kỳ vọng một số vấn đề rào cản được giải quyết để đảm bảo việc thực hiện Hiệp định diễn ra suôn sẻ và thành công," Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết thêm.

BCI là thước đo thường xuyên được các thành viên EuroCham sử dụng để nhận thức và đánh giá về môi trường kinh doanh. Mỗi quý, BCI theo dõi hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên của EuroCham và góc nhìn của họ về triển vọng kinh tế ở Việt Nam.

Điều tra thực địa và thu thập dữ liệu cho BCI do YouGov Việt Nam thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục