Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội đã khiến chính quyền ban hành chính sách tạm thời dừng hoạt động các dịch vụ ăn uống tại quán, vỉa hè... Các tiệm cắt tóc, tiệm làm đẹp, tiệm nail, phòng tập gym hay các cơ sở làm đẹp như spa cũng không ngoại lệ. Trong khi đó, nhu cầu của người dân thì vẫn có, thậm chí nhiều người còn chia sẻ trên mạng xã hội "khao khát" được cắt tóc, gội đầu... cùng nhiều dịch vụ cá nhân khác.
Nắm bắt nhu cầu này, một số các chủ tiệm cắt tóc, salon, spa... đã chuyển hướng dịch vụ sang hình thức “mang về”- là một cách gọi vui của việc phục vụ tại nhà. Thực chất, các dịch vụ làm đẹp tại nhà kể trên cũng đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát đã khiến các loại hình này trở nên phổ biến hơn, giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng các dịch vụ làm đẹp tại nhà.
Anh Hoàng Long, chủ một tiệm cắt tóc tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội bắt đầu dịch vụ cắt tóc tại nhà của khách hàng từ đầu tháng Sáu, gần 1 tuần sau khi Hà Nội có lệnh đóng cửa các cửa hàng cắt tóc, quán gội đầu. Anh Long cho biết từ khi chính quyền ra lệnh đóng cửa, anh đã chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên thấy nhu cầu của khách vẫn lớn nên anh quyết định đi cắt tóc tại nhà khách hàng.
Ban đầu, anh Long đăng quảng cáo trên Facebook, nếu ai muốn cắt thì đặt lịch trước để anh sắp xếp. “Tôi chủ yếu là phục vụ khách quen, ít có khách lạ. Bình thường, giá cắt tóc ở quán là 80 nghìn đồng/người, giá khi cắt cho khách ở nhà thì cao hơn: 120 nghìn đồng/người, chưa bao gồm tiền đi lại. Mỗi ngày tôi cắt tóc cho khoảng 10-15 người, tính ra cũng kiếm được kha khá nhưng cũng vất vả,” anh Long cho biết.
Bên cạnh đó, các tiệm cắt tóc khác cũng đang đẩy mạnh kênh kinh doanh của mình trên mạng xã hội với nhiều khuyến mãi để thu hút khách. Đơn cử, tiệm cắt tóc F.K đã triển khai dịch vụ cắt miễn phí tại nhà 1 ngày duy nhất trong tháng hay miễn phí cắt tóc với các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch,… còn tiệm cắt tóc G.B với slogan hóm hỉnh “gõ cửa từng nhà, gõ đầu từng người” đã thu hút được nhiều chú ý của cư dân mạng.
Không chỉ có cắt tóc mà dịch vụ làm móng tay, chân (nail) cũng sẵn sàng phục vụ tại nhà cho khách có nhu cầu.
Theo tìm hiểu tại một số cửa hàng làm móng, dịch vụ làm tại nhà giá thành cũng không thay đổi so với làm cửa hàng, giá thành sẽ dao động từ 100-400 nghìn đồng/bộ tùy theo phân khúc.
Chị Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) đã có thâm niên 7 năm trong nghề làm móng cho biết việc đóng cửa hàng cũng không ảnh hưởng gì đến chị do tính chất việc của chị có thể làm di động. Trong những ngày này, số lượng khách của chị tăng gấp đôi ngày thường.
“Chi phí tôi làm tại nhà cũng như tại quán, tùy vào độ cầu kỳ của bộ móng mà giá cũng thay đổi. Với một bộ móng sơn gel trơn bình thường, màu sắc đơn giản, giá từ 100-120 nghìn đồng/bộ. Nếu làm thêm một số bước như đắp móng giả, đắp bột, sơn nhũ, vẽ họa tiết, 3D, ombre, đính đá,…mức giá sẽ cao hơn: từ 150-400 nghìn đồng/bộ. Dù giá thành không rẻ nhưng đối với thợ lành nghề như tôi thì khách hàng luôn “gật đầu” với dịch vụ,” chị Huyền chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên, đối với loại hình dịch vụ này thì với phân khúc bình dân thì sẽ là những tay thợ mới, loại sơn vừa tiền và màu đơn giản, còn phân khúc cao cấp thì sẽ sử dụng những màu sơn tốt, hiếm và người thợ tay nghề cao...
Tuy nhiên, việc đến nhà để thực hiện các dịch vụ làm đẹp này cho khách cũng có một vài điểm bất tiện.
Anh Tùng, chủ quán cắt tóc tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay khi cắt tóc cho khách tại nhà thì các vật dụng như gương hay ghế không phải loại chuyên dụng, không thể xoay hay điều chỉnh độ cao, đòi hỏi người thợ liên tục phải thay đổi tư thế. Còn chị Huyền chia sẻ khi có nhiều khách ở khu vực xa so với nội thành mà đồ làm của chị thì nhiều thứ lỉnh kỉnh nên việc đi lại khá vất vả…
Đi phục vụ các "thượng đế" tại nhà như vậy cũng giúp các chủ cửa hàng, thợ cắt tóc hay làm móng này có thu nhập để ổn định đời sống trong mùa dịch, song họ cũng có những nỗi lo...
Ý thức được đây là công việc tiếp xúc nhiều người, trong túi đồ nghề mang theo của anh Tùng luôn phải có lọ xịt khử khuẩn, cồn, găng tay,… để thay mới và vệ sinh dụng cụ sau mỗi lần cắt. Kết thúc ngày làm việc, trước khi về nhà anh cũng lau khử khuẩn đồ cắt tóc, tắm rửa sạch sẽ rồi mới ăn uống, nghỉ ngơi.
“Trước khi vào nhà khách, mình đều xịt khử khuẩn toàn thân, xịt cả đồ nghề. Mình cũng thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và hạn chế giao tiếp, nói chuyện trong khi cắt,” anh Tùng nói.
[Tiếp tục nâng cao mức độ cảnh giác, chủ động kiểm soát dịch COVID-19]
Anh K.H, chủ một tiệm cắt tóc khác trên phố Lê Quý Đôn giãi bày: “Cả tháng đóng cửa không kinh doanh được khiến tôi phải đi cắt tóc tận nhà để kiếm thu nhập trả tiền thuê cửa hàng. Thế nhưng, tôi cũng rất băn khoăn không biết liệu mình làm như vậy là đúng hay sai và trước mắt tôi vẫn thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch cho bản thân và khách”./.