Các dịch vụ bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc giành thị phần lớn tại Hàn Quốc

Số liệu Hải quan cho thấy các công ty cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến của Trung Quốc đang giành được thị phần đáng kể tại thị trường bán lẻ ở Hàn Quốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Korea Bizwire)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Korea Bizwire)

Các công ty cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến của Trung Quốc như AliExpress và Temu đang giành được thị phần đáng kể tại thị trường bán lẻ ở Hàn Quốc.

Số lượng mã thông quan cá nhân do Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cấp, được sử dụng để bán hàng trực tiếp ra nước ngoài, đã tăng hơn 2,6 triệu chỉ trong năm 2023 và vượt mốc 25 triệu.

Cũng như ngành sản xuất, áp lực thuế của Trung Quốc đang tác động mạnh đến lĩnh vực bán lẻ của Hàn Quốc.

Các công ty Trung Quốc đang bán nhiều sản phẩm khác nhau thông qua phương thức mua trực tiếp từ nước ngoài kết hợp giao hàng tận nhà miễn phí.

Nhờ vậy, giá trị hàng hóa thường rẻ hơn từ 70%-90% so với các mặt hàng được bày bán ở các trung tâm mua sắm tại Hàn Quốc.

Do lạm phát cao, số lượng khách tại Xứ sở Kim chi sử dụng dịch vụ AliExpress đã vượt 7 triệu người, trong khi Temu có hơn 3,5 triệu người dùng.

Trong bối cảnh đó, các công ty Hàn Quốc đang nỗ lực mở rộng phạm vi các mặt hàng có sẵn để giao hàng trực tiếp ra nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay cả hãng bán lẻ trực tuyến lớn như Coupang cũng đang phải đối mặt với thách thức trong thị trường cạnh tranh này.

Trung Quốc không chỉ là quốc gia sản xuất nhiều mặt hàng giá rẻ, nước này còn đang dẫn đầu thị trường phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Các thương hiệu xe buýt điện của Trung Quốc chiếm 50% thị trường xe điện tại Hàn Quốc trong khi xe chở hàng chạy điện vượt 20% thị phần tại đây.

Robot hút bụi do Trung Quốc sản xuất cũng đang thống trị thị trường cao cấp, vượt qua hai "ông lớn" trong ngành ở Hàn Quốc là Samsung và LG.

han quoc_trung tam thuong mai.jpg
Người tiêu dùng mua sắm tại trung tâm thương mại ở Goyang (Hàn Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Khoảng 5 năm trước, Trung Quốc đã đem lại cho Hàn Quốc thặng dư thương mại hằng năm trên 50 tỷ USD, nhờ sự phân bổ lao động giữa hai nước.

Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc, sau đó Trung Quốc gia công và tái xuất sang các nước khác.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu tự chủ hơn về hàng hóa trung gian, Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại 18 tỷ USD với Trung Quốc.

Mức thâm hụt này dự kiến sẽ tăng lên khi các sàn thương mại trực tuyến của Trung Quốc tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng ở Hàn Quốc.

Để cạnh tranh, các cửa hàng trực tuyến tại Hàn Quốc phải tự đổi mới và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và khác biệt với các đối thủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục