An toàn hồ đập đang là vấn đề “nóng” được cử tri cả nước quan tâm, bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi với phóng viên báo chí những nội dung liên quan đến vấn đề này.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết các tỉnh miền Trung đã nỗ lực hết mình, huy động toàn bộ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an thực hiện sơ tán dân và bảm đảm an toàn cho dân trong mưa lũ.
Tuy vậy, cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thống kê từ các địa phương, trận lũ vừa qua đã làm 43 người chết, 4 người mất tích, 70 người bị thương, trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập; hơn 700.000 gia súc, gia cầm bị chết…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết miền Trung có đặc thù địa hình dốc, ngập nhanh và rút cũng rất nhanh, đặc biệt khi mưa lũ xuống, nước sẽ xuống nhanh và dòng chảy xiết.
Theo phản ánh của người dân vùng lũ, thông thường khi mưa lớn, vùng hạ du sẽ ngập trước nhưng lần này, vùng núi ngập lụt trước sau đó nước chảy về hạ du kết hợp với lượng mưa lớn ở hạ du gây tình trạng lũ trồng lũ. Bên cạnh đó, lũ về vào ban đêm gây khó khăn cho công tác sơ tán, dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, kiểm tra sau lũ tại các tỉnh miền Trung cho thấy, số người chết ở những vùng lũ lớn ít hơn số người chết ở những vùng ít bị ảnh hưởng. Người chết sau lũ nhiều hơn người chết khi lũ về. Nguyên nhân được đánh giá do tâm lý chủ quan của người dân.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian tới, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của cho người dân vùng lũ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng các địa phương cần theo dõi chặt chẽ quy trình vận hành các hồ chứa; điều tiết chặt chẽ mức nước hồ chứa; đảm bảo xả lũ đúng quy trình.
Ban quản lý các hồ chứa tăng cường lực lượng trực những ngày xảy ra mưa lũ; tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc, coi đây là điều kiện quan trọng để các hồ phát huy hết năng lực chống lũ; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân vận hành và khai thác hồ chứa vi phạm quy trình. Ban Phòng chống lụt bão các địa phương thường xuyên nắm bắt thông tin, thông báo cho các địa phương có nguy cơ ngập lũ kịp thời ứng phó.
Các tỉnh, thành phố bố trí lực lượng ứng phó kịp thời những khu vực dự báo có lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, tránh tối đa tâm lý chủ quan của người dân trong và sau bão…/.