Các địa phương tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra

Tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Nam và tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3 cũng như hoạt động hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai. (Ảnh: Thanh Hải/ TTXVN)
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai. (Ảnh: Thanh Hải/ TTXVN)

Tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá thiệt hại do bão, tỉnh Hà Nam tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, trong khi tỉnh Tuyên Quang dừng tổ chức các lễ hội do ảnh hưởng của bão và mưa lũ.

Khẩn trương khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Ngày 11/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung nguồn lực giúp người dân ổn định cuộc sống, không để ai ở vùng lũ bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi trú ngụ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, đến ngày 10/9, toàn tỉnh có 5 người chết, 1 người bị thương; trên 6.700ha lúa, hoa màu bị gãy đổ; 16 điểm trường bị ảnh hưởng. Hàng trăm điểm giao thông bị sạt lở, sụt lún.

Mưa lớn kèm giông lốc đã khiến 34 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, hư hỏng; gần 8.200 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại; 107 cột điện bị gãy đổ, hư hại; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu bị ảnh hưởng.

Nhằm khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, các địa phương huy động lực lượng xung kích tại cơ sở với gần 8.900 thành viên tham gia ứng phó thiên tai, giúp người dân sơ tán, khôi phục nhà cửa…; ứng trực 24/24 giờ tại 151/151 xã, phường, thị trấn.

Các lực lượng công an, quân đội từ tỉnh đến xã trực, ứng phó thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với 100% quân số.Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá toàn diện về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ứng phó với bão số 3.

Đồng thời, kiến nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục rà soát, đánh giá đồng bộ các hộ dân có nguy cơ sạt lở xây dựng phương án, giải pháp cụ thể để hỗ trợ các hộ dân ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nêu rõ tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các công điện của Trung ương trong công tác phòng chống bão số 3; thông tin kịp thời tình hình, diễn biến cơn bão đến người dân, kịp thời xử lý các thông tin không đúng về cơn bão.

TTXVN_1109 hoa binh bao lu 2.jpg
Nước lũ tràn ngầm trên một nhánh suối chảy ra sông Bùi trên địa phận xã Tân Vinh. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị các đơn vị, ban ngành tiếp tục khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân vùng lũ không bị đói, không bị rét, không bị thiếu ăn thiếu mặc sau lũ bão.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Nguyễn Phi Long chỉ đạo tất cả hệ thống chính trị tiếp tục bám sát cơ sở trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống thiên tai.

Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tham mưu ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc thực hiện trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có các hoạt động hỗ trợ thiên tai, bão lũ.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội phát động hội viên, đoàn viên tham gia tuyên truyền vận động, hỗ trợ nhân dân dọn dẹp vệ sinh, nhà cửa sau bão lũ; tổ chức các đoàn đi thăm, động viên nhân dân bị thiệt hại do lũ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh thiệt hại nặng.

Cùng ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, thời gian tiếp nhận ủng hộ từ ngày 10/9 đến ngày 10/10/2024.

Mọi sự ủng hộ, hỗ trợ xin gửi về Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Tại lễ phát động, cán bộ, các sở ngành địa phương và các cơ quan đơn vị đã ủng hộ gần 440 triệu đồng.

Hà Nam: Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ

Ngày 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã phát tin báo động 3 trên sông Hồng và chủ động ứng phó với lũ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên.

Theo số liệu báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam, mực nước trên sông Hồng tại trạm thủy văn Hưng Yên đo lúc 9 giờ ngày 11/9 là 7,02 m, vượt mức báo động 3 là 0,02 m.

Dự báo do ảnh hưởng của mưa lớn và vận hành xả lũ của hồ thủy điện Tuyên Quang (xả đáy 5 cửa), mực nước trên sông Hồng sẽ tiếp tục dâng cao, gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê và hoạt động giao thông đường thủy, các công trình nuôi trồng thủy sản trên sông, sản xuất nông nghiệp trên bãi sông Hồng.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên tăng cường công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo cấp báo động được quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ; tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu và các cống dưới đê.

Ban chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Tuyên Quang: Dừng tổ chức các lễ hội do ảnh hưởng của bão và mưa lũ

Ngày 11/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang có văn bản thông báo dừng tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024 cũng như các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan và lễ hội.

TTXVN_1109 Tuyen quang bao lu.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy quân sự huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ người dân chuyển đồ đạc. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Theo kế hoạch ban đầu, liên hoan và lễ hội này sẽ diễn ra trong ngày 13-14/9 tại thành phố Tuyên Quang với nhiều hoạt động như Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2024; Giao lưu, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Chương trình “Điện ảnh với Xứ Tuyên”; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang; Chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt”; Lễ hội bia Hà Nội; các giải thể thao và chuỗi hoạt động hưởng ứng của các địa phương trong tỉnh.

Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội Trung thu độc đáo, đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang với hàng trăm mô hình đèn trung thu khổng lồ, lung linh sắc màu đã được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.

Nhiều năm qua, lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng, đặc sắc của Tuyên Quang thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở tỉnh và các địa phương lân cận, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định dừng tổ chức các hoạt động lễ hội theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy và đề xuất của các đơn vị, địa phương.

Trước đó, Ban Tổ chức liên hoan và lễ hội đã thông báo hoãn tổ chức Giải chạy Marathon và Hội chợ Thương mại-Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục