Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế rút kinh nghiệm để chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng, chống dịch.
Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Huyện Đông Anh, Hà Nội thực hiện cách ly F1 tại nhà. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 11/12 đến 16 giờ ngày 12/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.638 ca mắc mới, trong đó 17 ca nhập cảnh; 14.621 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.483 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố, có 9.377 ca trong cộng đồng.

Như vậy, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.413.051 ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 1.054.720 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 27.839 ca tử vong.

Hiện có 7.596 bệnh nhân nặng đang điều trị; trong đó, 5.237 ca thở ô xy qua mặt nạ; 1.273 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 126 ca thở máy không xâm lấn; 942 ca thở máy xâm lấn; 18 ca ECMO.

Tính đến ngày 11/12, tổng số vaccine đã được tiêm là 132.266.442 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.832.161 liều; tiêm mũi 2 là 57.434.281 liều.

Trước tình hình dịch bệnh, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 9058/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế rút kinh nghiệm để chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng không ít cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 11/12 đến 18 giờ ngày 12/12, Hà Nội ghi nhận thêm 895 ca F0, trong đó có 357 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa.

Riêng 357 ca tại cộng đồng thuộc 130 xã, phường của 27/30 quận, huyện. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 18.448 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 6.902 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 11.546 ca.

Trước đó, ngày 10/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo số 842/TB-UBND đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

[Bộ Y tế cần làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng, chống dịch]

Hiện nay, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng). Hà Nội có 8 quận, huyện đạt cấp độ 1, nguy cơ thấp, màu xanh gồm Ba Vì, Long Biên, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa. Quận Đống Đa ở cấp độ 3; 21 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2. Toàn thành phố có 439 xã, phường ở cấp độ 1 và 127 xã, phường ở cấp độ 2.

Có 13 xã, phường trong vòng 14 ngày gần đây ghi nhận nhiều ca bệnh tại cộng đồng và ở cấp độ 3 là Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan của quận Đống Đa; phường Hàng Gai của quận Hoàn Kiếm; các xã Yên Viên, Yên Thường của huyện Gia Lâm; xã Vân Nội của huyện Đông Anh; phường Đội Cấn của quận Ba Đình và phường Quảng An quận Tây Hồ.

Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố đạt 94,3%; người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 đạt 83,9%.

Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Xét nghiệm sàng lọc, nhanh chóng bóc tách F0. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Cùng ngày, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp khi địa phương liên tục phát hiện nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng và xuất hiện một số ổ dịch tại các địa phương trong tỉnh.

Riêng ngày 12/12, Quảng Bình đã ghi nhận thêm 36 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 16 ca trong cộng đồng và 20 ca trong khu cách ly.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để kiểm soát các nguồn lây và triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuân thủ và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các quy định về phòng chống dịch.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất bình tĩnh; phải sáng suốt, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh không để dịch bùng phát, lây lan trong cộng đồng và tập trung cao độ thực hiện các biện pháp một cách an toàn, hiệu quả... từ đó góp phần ổn định đời sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Các địa phương, đơn vị cũng cần quan tâm, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiến thức phòng, chống dịch và thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe trước dịch. Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh.

Các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục tổ chức tầm soát SARS-CoV-2 để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nhiễm bệnh; tăng cường kiểm soát các trường hợp đến, về từ vùng dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly, điều trị bệnh tại nhà.

Tại Nghệ An, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, liên tục phát hiện các trường hợp dương tính trong cộng đồng và trong khu vực phong tỏa; có những địa phương hiện đang là điểm nóng về sự lây lan của dịch.

Những ngày qua, nhiều người dân ở nhiều địa bàn có biểu hiện mệt mỏi, ho đã đến các cơ sở y tế để khám, lấy mẫu xét nghiệm và đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, tính đến 6 giờ ngày 12/12 tại Nghệ An đã phát hiện 5.687 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Vinh phát hiện 985 trường hợp. Toàn tỉnh cũng đã có 4.521 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện; 31 người tử vong.

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, một trong những nguyên nhân số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước đó là do người dân chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là ở những khu vực dễ lây lan, như: hàng quán, chợ dân sinh, khu chung cư...

Vì thế, việc thực hiện Thông điệp "5K" vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì để bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết thì rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục