Các địa phương phía Nam sẵn sàng ứng phó với bão số 9

Để chủ động ứng phó với bão số 9, các địa phương trong miền Nam đã triển khai đồng loạt nhiều phương án nhằm giảo thiểu thiệt hại.
Các địa phương phía Nam sẵn sàng ứng phó với bão số 9 ảnh 1Người dân ven biển chằng chống nhà cửa ứng phó mưa bão. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để chủ động ứng phó với bão số 9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Văn bản 576 gửi các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... chỉ đạo triển, thực hiện việc kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu; tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện theo đúng quy trình, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Nội dung văn bản cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở các tuyến cơ sở để người dân biết, chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

* Khánh Hòa: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng của bão số 9, từ tối 23/11 đến trưa 24/11, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa nhỏ đến vừa, tổng lượng mưa các trạm đo được từ 19 giờ ngày 23/11 đến 6 giờ ngày 24/11 phổ biển từ 10 - 30mm, riêng khu vực huyện Vạn Ninh (phía bắc Khánh Hòa) lượng mưa đo được 75mm. Hiện chưa có thông tin báo cáo nào từ các địa phương cho thấy bão số 9 gây thiệt hại.

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó khi các nguồn dự báo thời tiết cho hay bão số 9 sẽ đổ bộ và và ảnh hưởng khu vực Nam Trung bộ. Trên đất liền, các địa phương đã triển khai sơ tán hơn 2.840 hộ dân với hơn 12.000 người tại các vùng trọng yếu có nguy cơ mất an toàn để đến các địa điểm tránh trú tập trung. Đồng thời các địa phương như: huyện Vạn Ninh, thành phố Nha Trang, Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa tiến hành vận động trên 2.210 người tại các khu vực nuôi hải sản bằng lồng bè vào đất liền tránh trú bão. Trên 340 tàu thuyền đánh cá của ngư dân tại các vùng biển gần bờ cũng đã được thông tin, hướng dẫn vào neo đậu tại các vị trí trú ẩn an toàn.

Hiện các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt mức chứa từ 50% - 60% so với dung tích thiết kế. Riêng một số hồ như: Hoa Sơn, Tà Rục, Suối Dầu, Cam Ranh đã đạt dung tích chứa trên 70%, đang được các đơn vị quản lý tiến hành điều tiết, chủ động hạ thấp mực nước nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du khi có tình huống mưa lớn do bão gây ra.

* Tiền Giang: Sáng 24/11, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang tại huyện Gò Công Đông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có cuộc họp khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó cơn bão số 9 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang. Tại cuộc họp, ông Lê Văn Nghĩa chỉ đạo, do đây là cơn bão diễn biến phức tạp nên các cấp, các ngành và nhân dân địa phương, nhất là các huyện, thị ven biển Gò Công cần hết sức đề cao cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trước mắt, cần thực hiện các giải pháp khẩn cấp kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa khu vực nguy hiểm mà ngành chức năng đã cảnh báo, tuyệt đối nghiêm cấm tàu thuyền và phương tiện ra khơi, nhân dân khu vực ven biển khẩn trương chằng chống nhà cửa, rà soát đảm bảo an toàn các bến bãi, bến phà, đò ngang, tổ chức di dời những hộ dân ngoài đê và khu vực không an toàn vào nơi an toàn… cũng như kiểm tra cơ sở vật chất những nơi dự kiến sơ tán dân đến trong trường hợp khẩn cấp.

Kiểm tra và tuyệt đối yêu cầu người dân hành nghề đáy sông cầu, giữ các chòi canh nuôi trồng thủy sản khẩn trương vào nơi an toàn. Mặt khác, các ngành chức năng còn tổ chức bắn pháo hiệu theo diễn biến bảo để ngư dân biết và chủ động đối phó.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến sáng 24/11, địa phương đã kêu gọi toàn bộ toàn bộ các phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn. Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền. Công tác ứng phó bão số 9 tại Tiền Giang cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng, không để thiên tai gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống.

Về diễn biến thời tiết, trên địa bàn các huyện ven biển: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông… trời nhiều mây, có mưa nhỏ rải rác. Người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Đặc biệt, khu du lịch Tân Thành du khách vẫn tấp nập tham quan, mua sắm.

[Bão số 9 hướng vào các tỉnh Bình Thuận-Bến Tre, TP.HCM mưa rất to]

* Phú Yên: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ngày 24/11, các khu dân cư ven biển tại thành phố Tuy Hòa đã bị triều cường kèm sóng biển uy hiếp. Chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác vận động người dân đi tránh trú ở những nơi an toàn.

Khu dân cư Bạch Đằng, phường 6, thành phố Tuy Hòa có 40 hộ dân đang sinh sống. Từ tối 23/11 đến nay, khu dân cư bị triều cường kèm những cột sóng cao từ 3 đến 4m liên tiếp đánh vào bờ, tràn qua kè đá tạm. Nhiều cột sóng phủ lên mái nhà của người dân. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, triều cường, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời đi tránh trú ở những nơi an toàn. Nhưng vẫn còn khoảng 11 hộ quay trở lại bám trụ để giữ tài sản.

Bà Nguyễn Thị Phấn, khu dân cư Bạch Đằng, phường 6, thành phố Tuy Hòa cho biết: Khi nước lớn, thường vào đêm khuya, sóng tràn qua mái nhà. Không còn ai dám ở. Ngày hôm qua (23/11), Ủy ban nhân dân phường có xuống thông báo mọi người phải di dời. Ở đây sợ nguy hiểm. Nhưng đồ đạc nhiều quá mà không có chỗ gửi nên buổi sáng quay về nhà.

Qua kiểm tra thực tế tại các khu dân cư, ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa cho biết: trên địa bàn thành phố có 4 điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng bởi triều cường và mưa lũ đó là: thôn Long Thủy (xã An Phú), khu dân cư Bạch Đằng (phường 6), xóm Rớ (phường Phú Đông) và xã Bình Ngọc. Đến nay chính quyền các địa phương đã thông báo các hộ dân phải di dời ra khỏi nơi nguy hiểm.

Đối với khu dân cư Bạch Đằng có mức độ nguy hiểm nhất khi có triều cường. Còn 11 hộ vẫn quay trở về nhà để giữ tài sản, Ủy ban Nhân dân phường 6 phải phối hợp với Bộ đội Biên phòng cương quyết không cho người dân ở lại nhà, chậm nhất là là chiều nay (24/11); tuyệt đối không để các hộ dân chủ quan để xảy ra thiệt hại về người.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ngày 24/11 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có mưa to kèm theo gió giật mạnh. Các lực lượng như: Bộ đội, Công an, Dân quân tự vệ... đã được bố trí trực 24/24 sẵn sàng ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết. Bên cạnh đó, người dân đã được tuyên truyền không nên chủ quan để tránh những thiệt hại về người và tài sản.

* Bình Thuận: Đến 12h trưa ngày 24/11, mọi công tác chuẩn bị ứng phó bão số 9 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện tại toàn bộ tàu, thuyền 7.184 chiếc/38.822 lao động đã neo đậu an toàn tại các khu vực tránh trú bão. Tổng số phương tiện thủy nội địa đang neo đậu là 40 phương tiện/203 thuyền viên/52 lao động. Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận thông báo, bố trí sắp xếp cho các tàu vận tải các khu vực neo đậu tránh bão, hướng dẫn các tàu diễn biến và hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng trực tiếp và đề nghị các chủ phương tiện chủ động chạy thoát ra khỏi khu vực biển Bình Thuận, càng sớm càng tốt, đảm bảo an toàn. Toàn tỉnh hiện có 93 bè/240 lao động, các chủ bè nuôi thủy sản đã chằng buộc chắc chắn, an toàn; đồng thời thực hiện nghiêm lệnh cấm không để người lao động ở lại trên lồng bè, chòi canh trên biển.

Sáng 24/11, lực lượng công an tỉnh đã tổ chức họp khẩn và triển khai ứng phó với bão số 9. Theo báo cáo nhanh của Công an các đơn vị, mọi công tác phòng chống bão số 9 đã được triển khai nghiêm túc, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ/ngày, cán bộ chiến sỹ toàn tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Công tác bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, việc đảm bảo an toàn tại các công trình, vũ khí, trang bị, tài liệu cũng được triển khai.

Đại tá Trần Văn Toản , Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Công an tỉnh tại các công điện. Ngoài việc triển khai theo kế hoạch chung, lực lượng Công an phải xuống trực tiếp địa bàn cơ sở để nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự; không được chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tham gia kiểm tra phòng chống lụt bão theo phương châm 4 tại.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bình Thuận nằm ở phía Bắc của cơn bão, các huyện ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp của nước dâng, triều cường, sóng cao, mưa to và sạt lở xảy ra là rất cao; để chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 9, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tỉnh yêu cầu các địa phương ven biển kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình nước dâng, triều cường và sóng mạnh ven biển, huy động các phương tiện, lực lượng triển khai ngay thực hiện việc di dời dân ở những vùng xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp của bão, nước dâng, sạt lở đến nơi an toàn.

Các địa phương huy động tối đa các phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để di dời, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, ứng phó triều cường, sạt lở ven biển và ngập lụt vùng trũng; kiểm tra, theo dõi diễn biến các khu vực trọng điểm là các khu dân cư, cơ sở kinh tế, khu du lịch...hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Các cơ quan, đơn vị xung kích: Quân sự, Biên phòng, Công an, Giao thông Vận tải...triển khai các lực lượng xuống các địa phương theo kế hoạch, hỗ trợ di dời, sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong và sau bão.

Đến 12 giờ trưa 24/11, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn huyện đảo Phú Quý có mưa to, gió mạnh cấp 8; một số cây xanh bị ngã, tuy nhiên chưa có thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đang túc trực để ứng phó với những diễn biến của bão. Bộ đội biên phòng đang túc trực 24/24 để hỗ trợ người dân. Hơn 200 hộ dân khu vực nguy hiểm trên đảo đã được di dời đến nơi an toàn.

* Long An: Ông Võ Kim Thuần, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An cho biết, thực hiện công điện của Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An về việc tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, triều cường, các đơn vị, địa phương đang tổ chức túc trực 24/24, tập trung theo dõi diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời.

Chiều 23/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, triều cường, yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng túc trực thường xuyên 24/24. Chủ động thông báo với các lực lượng và người dân để chủ động phòng tránh, kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức chằng chống nhà cửa; có kế hoạch di dời, sơ tán dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, nhất là các huyện phía nam gồm Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành...

Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, cống ngăn triều cường để có kế hoạch xử lý kịp thời các sự cố tràn đê, vỡ đê nếu có xảy ra; vận hành các cống ngăn triều cường hợp lý, không để xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng thời tổ chức các đội thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, tổ tự quản trực ban cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, tích cực hỗ trợ người dân đối phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. “Do thời điểm bão ngay vào ngày nghỉ, nên Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc chấp hành các nội dung chỉ đạo trong công điện, mở điện thoại 24/24 để cập nhật sớm nhất diễn biến bão để chủ động đề phòng”, ông Võ Kim Thuần nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục