Các địa phương ký 340 thỏa thuận hợp tác hữu nghị

Tính đến tháng 5, cả nước có 56 địa phương tham gia ký kết khoảng 340 thỏa thuận hữu nghị, hợp tác với đối tác của 30 quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao tại Hội nghị tổng kết quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương tổ chức ngày 18/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 5/2012, cả nước có 56 địa phương tham gia ký kết khoảng 340 thỏa thuận hữu nghị, hợp tác với hơn 200 đối tác cấp địa phương của 30 quốc gia trên thế giới (gồm 14 nước châu Âu, 11 nước châu Á, 2 nước châu Mỹ, 2 nước châu Phi và 1 nước châu Đại Dương).

Trong số này, khoảng 20% các thỏa thuận dưới hình thức hợp tác liên tỉnh theo thỏa thuận của Chính phủ và khuôn khổ hợp tác đa đối tác (liên vùng, liên tỉnh); 80% là các thỏa thuận hợp tác song phương cấp tỉnh (bao gồm các thỏa thuận giữa cấp tỉnh, cấp thành phố trực thuộc tỉnh với nhau, thỏa thuận về hợp tác chung và hợp tác trong một số lĩnh vực).

Hợp tác cấp địa phương giữa Việt Nam với Lào và Campuchia có tầm quan trọng đặc biệt. 35 địa phương trong nước có quan hệ hợp tác với các địa phương của Lào, 16 địa phương trong nước có quan hệ hợp tác với các đối tác của Campuchia.

Đáng chú ý, 38 địa phương ở Pháp có quan hệ hợp tác với 18 tỉnh, thành của Việt Nam với khoảng 235 dự án, góp phần hỗ trợ các địa phương của Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng, y tế...

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu về hợp tác quốc tế khi có quan hệ hữu nghị, hợp tác với 28 địa phương nước ngoài và hợp tác theo lĩnh vực với 8 địa phương nước ngoài khác.

Tuy nhiên, hơn 70% các thỏa thuận hợp tác địa phương là thỏa thuận khung, chưa có hoạt động cụ thể hoặc chỉ ở mức duy trì quan hệ trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa; nhiều chương trình hợp tác bị tạm ngưng hoặc gián đoạn sau thời gian ngắn.

Trong việc phát triển quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương sắp tới, Bộ Ngoại giao và một số địa phương cho rằng cần chuyển dần từ hợp tác hữu nghị sang hợp tác thực chất, cùng có lợi; chú trọng đưa nội dung hợp tác cấp địa phương vào khuôn khổ các đề án, chương trình quốc gia về hợp tác quốc tế, các thỏa thuận khung về hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước và tổ chức khu vực.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần khuyến khích sự tham gia của các khu vực tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ vào các dự án địa phương; quan tâm hợp tác với các địa phương Việt Nam chưa có dự án hoặc thuộc vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, miền núi./.

Hoàng Liên Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục