Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, ngày 1/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố…
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, bão số 3 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 1/8 đến ngày 4/8, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió trong đất liền sẽ mạnh dần lên cấp 4-5, vùng ven biển cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật trên cấp 9.
Vùng ven biển các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình từ ngày 2/8 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật trên cấp 9, biển động mạnh. Lượng mưa cả đợt cho các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam dự kiến vào khoảng 120-200mm.
Thực hiện Công điện số 08/CĐ-TW hồi 14 giờ ngày 31/7/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai về phòng chống cơn bão số 3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức thường trực 24//24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng, hồ đâp, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không,” chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời mọi diễn biến của mưa bão.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình bão số 3, mưa lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn. Chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất…
Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát hệ thống công trình tiêu khu vực nội thành. Công ty Công viên cây xanh Hà Nội rà soát, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gãy mất an toàn…
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn đề điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi.
[Chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 3 Wipha]
Ngày 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã có Công điện gửi các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3. Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực, trực ban, tuần tra canh gác; rà soát các phương án phòng, chống lũ bảo đảm an toàn cho hệ thống đề điều và các khu dân cư ngoài bãi sông, các khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông.
Đặc biệt lưu ý các trọng điểm phòng chống lụt bão, các vị trí đã xảy ra sự cố. Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng tiêu úng hiệu quả cho lúa và hoa màu, đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tiêu úng cụ thể cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu công nghiệp, vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài.
Công ty Điện lực tỉnh bảo đảm nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Nam, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, từ chiều 1/8 đến ngày 4/8, tỉnh Hà Nam có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-200mm. Huyện Duy Tiên và vùng núi Thanh Liêm, Kim Bảng trên 200mm.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chiều 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ban hành công điện số 4 nhằm tăng cường tính chủ động phòng, chống bão, tuyệt đối nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi kể từ 19 giờ ngày 1/8.
Cùng với việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đến khi bão tan, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các quy định tiếp tục kêu gọi các tàu, thuyền, các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn xong trước 9 giờ sáng 2/8; triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú bão an toàn xong trước 9 giờ sáng 2/8; kiểm tra đảm bảo an toàn các chuyến đò ngang, đò dọc, tạm ngừng hoạt động các tuyến đò kể từ 9 giờ ngày 2/8 đến khi bão tan.
Mặt khác, tỉnh Ninh Bình huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế.
Các địa phương chỉ đạo thôn, xóm giúp các gia đình chính sách, neo đơn phòng tránh đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xuống địa bàn được phân công để triển khai phương án chống bão.
Tỉnh Ninh Bình thường xuyên có khoảng 130 phương tiện/350 thuyền viên hoạt động trên biển cùng 193 lều, chòi với hơn 200 lao động hoạt động ngoài đê Bình Minh 3 và khu vực Cồn Nổi (huyện Kim Sơn).
Hải Phòng đã triển khai khẩn trương đồng bộ các biện pháp để đối phó với bão số 3. Đến 17 giờ ngày1/8, lệnh cấm biển đã bắt đầu có hiệu lực. Mọi hoạt động trên sông, biển đều đã tạm dừng.
Theo báo cáo, đến 16 giờ ngày 1/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho hơn 3.000 phương tiện với hơn 12.000 lao động; 465 lồng bè với hơn 1.300 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão. 100% tàu thuyền trên biển quanh khu vực đảo Bạch Long Vỹ đã về nơi tránh bão an toàn.
Về hoạt động di dời dân, đến 17 giờ ngày 1/8, các huyện, quận đã rà soát, thống kê số người ở tại các khu vực nguy hiểm cần sơ tán là hơn 7.000 người, trong đó đã tổ chức di dời 687 người đến khu vực an toàn. Để tiếp tục chuẩn bị các điều kiện đầy đủ phòng chống bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh bão; kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khơi thông dòng chảy, hạ mực nước trong hệ thống thủy lợi, hệ thống thoát nước đô thị; hoành triệt cửa khẩu qua đê, cống xung yếu.
Các địa phương tổ chức sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, nhà ở cũ yếu, ven sông, trên tàu thuyền đã vào khu vực neo đậu. Đặc biệt kiểm tra và có biện pháp bảo vệ, di dời người ở các khu vực có nguy cơ sạt lở (đồi Thiên Văn, quận Kiến An; núi Phướn, núi Xuân Sơn, huyện An Lão, núi Ba Phủ, huyện Thủy Nguyên, ven sông biển, các khu mỏ…).
Chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình xây dựng có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công. Văn phòng Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tiếp tục đôn đốc các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện và tổng hợp trong các báo cáo tiếp theo.
Để đối phó với bão số 3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương ven biển, cơ quan chức năng tiến hành cấm biển từ 5 giờ ngày 2/8; đồng thời tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện ven biển kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn trước 9 giờ ngày 2/8; cấm tất cả các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 15 giờ cùng ngày.
Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn thông tin kịp thời tới người dân về diễn biến của bão, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, tránh bão; phối hợp chặt chẽ với các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt việc tiêu rút, điều tiết nước đệm trong đồng ruộng, nhất là ở vùng thấp trũng, vùng có khả năng tiêu nước kém; hướng dẫn người dân bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương có phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” chủ động ứng phó với bão; tổng kiểm tra toàn tuyến đê sông, đê biển trên địa bàn, có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu và các vị trí đã bị sạt lở trong các trận mưa bão trước. Các huyện, thành phố rà soát, thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán khi bão mạnh đổ bộ.
Thượng tá Vũ Văn Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định cho biết, đơn vị này đã bố trí 20 tàu, canô, xe ôtô với hàng trăm cán bộ, chiến sỹ sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp dân phòng, chống bão; duy trì các đài canh trực 24/24 giờ trong ngày, giữ thông tin liên lạc với tàu cá của ngư dân trên biển.
Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hướng dẫn, sắp xếp 1.488 phương tiện neo đậu an toàn tại các khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với hơn 6.000 lao động; trong đó có 559 tàu với gần 2.490 lao động đánh bắt xa bờ, còn lại là các tàu đánh bắt gần bờ.
Ở khu vực ven biển, Nam Định có hơn 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân. Nam Định đã chuẩn bị 42.495m3 đá hộc, hơn 4.000 rọ thép, gần 690.000 bao nilon, vải lọc, bạt chống tràn để gia cố đê, kè khi cần thiết.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Nam Định, bão số 3 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nam Định gây mưa vừa, mưa to đến rất to, gió giật mạnh. Lượng mưa ở nhiều nơi trong tỉnh dự báo ở mức 100 - 200mm nên nguy cơ ngập úng cao.
Chiều 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương, nhất là các nơi xung yếu, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao như thị xã Quảng Yên, thành phố Móng Cái, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà.
Tại các điểm kiểm tra, đoàn đã chỉ đạo các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trước bão số 3; chuẩn bị mọi phương án, phương tiện, vật lực, nhân lực để ứng phó với bão; túc trực và báo cáo thường xuyên; đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Kiểm tra các tuyến đê xung yếu, công trình thủy lợi tại thị xã Quảng Yên, đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 của người dân địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân và tài sản của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, không được lơ là, chủ quan trước bão.
Các địa phương có phương án dự phòng và chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật lực để chống bão, hộ đê; sau hoàn lưu bão cần đề phòng, chống ngập lụt, sạt lở. Các kho vật tư chống bão cần đảm bảo, có đầy đủ phương tiện, vật tư để chống bão.
Các địa phương kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn; đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, giao thông, có phương án di dời dân khi trường hợp cấp bách xảy ra…
Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có hai hệ thống đê là đê Hà Nam dài 37 km và đê Hà Bắc dài 39 km, các tuyến đê có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho trên 56.000 dân và trên 5.100 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 8 xã đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên. Hiện nay, toàn tuyến đê Hà Nam cơ bản ổn định, không có hiện tượng sụt lún.
Những điểm xung yếu trước đây đều đã được Trung ương và tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn. Một số điểm xung yếu qua theo dõi vẫn cơ bản ổn định sau mỗi đợt triều cường.
Hiện chỉ còn 2km đê đoạn từ K25 đến K27 thuộc địa bàn xã Phong Cốc đã xuống cấp nghiêm trọng. Cao trình đỉnh đê thấp, mái đê chưa được gia cố. Nhiều đoạn không có tường chắn sóng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cần sớm được ưu tiên nâng cấp.
Tại cảng nước sâu Cái Lân, Công ty đóng tàu Hạ Long đã mở các âu tàu để các tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão an toàn. Theo đại diện Công ty, bình thường thời tiết ổn định các tàu cá, tàu du lịch và các tàu hàng khác sẽ không được neo đậu trong khu vực âu tàu của công ty.
Khi có bão hay thời tiết bất thường, theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Công ty sẽ mở cửa các âu tàu vào tránh trú bão. Các âu tàu rất an toàn, chịu được sóng to, gió lớn. Hiện nay, hơn 100 tàu thuyền đã vào tránh trú bão tại đây.
Sau khi kiểm tra tại các điểm neo đậu tàu thuyền tại cảng nước sâu Cái Lân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh, cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, tính mạng của ngư dân và các thuyền viên; bố trí sắp xếp chỗ neo đậu, tránh trú bão an toàn, hợp lý, khoa học để có nhiều tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Cảng tạo điều kiện cho các tàu có nơi neo đậu, đảm bảo sinh hoạt và hoạt động bình thường; đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự và an toàn xã hội…
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các địa phương cần theo dõi nắm lại số tàu thuyền, đặc biệt là tàu khai thác thủy hải sản xa bờ, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, thông báo các vị trí neo đậu tránh trú bão cho tàu cá để chủ động phòng, tránh; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, rà soát số người đang có mặt trên các nhà bè nuôi trồng thuỷ sản để sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu; chủ động phòng chống bão với phương châm “4 tại chỗ,” xử lý cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra trên địa bàn…/.