Các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, tăng máy bơm tiêu úng

Tính đến 18 giờ ngày 28/7, hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra 98 sự cố, tăng 14 sự cố so với ngày 27/7.
(Ảnh minh họa: Nguyễn Nam/TTXVN)

Ngày 29/7, tổng hợp từ các địa phương cho biết, tính đến 18 giờ ngày 28/7, hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra 98 sự cố, tăng 14 sự cố (tại thành phố Hà Nội) so với ngày 27/7.

Các sự cố gồm: 1 sự cố sạt lở chân đê bối hữu Bùi; 3 sự cố rò rỉ qua mang cống đê hữu Bùi; 1 sự cố sụt mang cống thuộc trạm bơm Trại Nứa, đê bao hữu sông Tích; tràn 3 đoạn đê bối hữu sông Tích và 1 đoạn đê bao tả Tích; 2 sự cố rò rỉ mang cống thuộc trạm bơm Đốc Tín, đê hữu Đáy và trạm bơm Đức Môn; 2 sự cố rò rỉ qua mang cống đê bối xã Đồng Tiến; 1 sự cố bục thân cống đê bao hữu sông Tích.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nước đang rút dần, các địa phương đang tiếp tục thống kê số liệu cụ thể về diện tích ngập úng.

Báo cáo Tổng cục Thủy lợi cho biết, tính đến 17 giờ ngày 28/7, các địa phương vận hành 1.919 máy bơm và 37 cống, so với ngày 27/7 tăng 689 máy bơm và giảm 12 cống tiêu.

Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, khu vực Bắc Bộ có 13/286 hồ chứa lớn đầy nước, trong đó (Sơn La 2, Phú Thọ 1, Bắc Giang 3, Quảng Ninh 1, Thái Nguyên 1, Lạng Sơn 1, Ninh Bình 1, Hòa Bình 3), số hồ còn lại đạt 45-75% dung tích thiết kế.

[Đảm bảo không để người dân bị đói, rét do ảnh hưởng bão, lũ]

Mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2-4m; có 782/2.699 hồ nhỏ tích đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 60-85% dung tích thiết kế với mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-3m; có 138 hồ chứa xung yếu (Hà Giang 6, Cao Bằng 4, Lào Cai 5, Yên Bái 12, Tuyên Quang 11, Bắc Kạn 6, Thái Nguyên 9, Lạng Sơn 8, Quảng Ninh 9, Sơn La 8, Phú Thọ 9, Vĩnh Phúc 7, Bắc Giang 9, Hải Dương 5, Hòa Bình 20, Ninh Bình 6).

Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ có 83/132 hồ lớn đầy nước trong đó (Thanh Hóa 45, Nghệ An 38), số hồ còn lại đạt 50-70% dung tích thiết kế; có 988/1.788 hồ nhỏ tích đầy nước gồm Thanh Hóa có 375 hồ, Nghệ An là 471 hồ, Hà Tĩnh có 142 hồ. Số hồ chứa còn lại đạt 55-85% dung tích thiết kế, mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-4m. Có 95 hồ chứa xung yếu (Thanh Hóa có 24, Nghệ An 21, Hà Tĩnh 18, Quảng Bình 12, Quảng Trị 14, Thừa Thiên Huế 7).

Cảnh báo mưa lũ và thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo.

Khi có thông tin, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.

Tại địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; đảm bảo thông tuyến giao thông; khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống nhân dân; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn diện rộng và tình hình thời tiết nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục