Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 2018 chưa thực hiện được một nửa, nên số doanh nghiệp còn lại sẽ phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Trong khi ấy, 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn đang "trắng."
Vấn đề này được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nêu lên tại buổi họp báo ngày 28/3.
Địa phương không quyết liệt
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, theo kế hoạch, năm 2018 phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhưng thực tế mới có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trong khi ấy, kế hoạch cổ phần hóa năm 2019 là 18 doanh nghiệp. Cùng với hơn 40 doanh nghiệp chưa làm xong của năm 2018, ông Tiến bày tỏ, nếu không có biện pháp quyết liệt thì không hoàn thành được.
[Xem xét chuyển giao 12 dự án yếu kém sang Ủy ban quản lý vốn xử lý]
Tính từ đầu năm tới hiện tại, theo thống kê, vẫn chưa có doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Chỉ ra nguyên nhân, theo ông Tiến, việc chậm trễ trên có nguyên nhân khách quan do doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản Nhà nước, đặc biệt là đất đai.
Ông lấy ví dụ như với trường của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), mặc dù đã hơn một năm thực hiện nhưng hiện phương án sử dụng đất vẫn chưa hoàn thành.
Nguyên nhân khác được ông chỉ ra là doanh nghiệp đang vướng mắc vì có vụ việc phải xử lý. "Ví dụ như Mobifone phải xong vụ AVG thì mới cổ phần hóa được. Không thể cổ phần hóa khi vụ việc chưa được xử lý rốt ráo," ông Tiến giải thích.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng không phủ nhận việc chậm trễ còn do nguyên nhân chủ quan. Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ ra, theo quy định, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện. Tuy nhiên, theo ông, quá trình này thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
"Nếu địa phương không quyết liệt, đủng đỉnh thì quá trình cổ phần hóa chậm là đúng," ông Tiến nêu lên.
Thoái vốn: Doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng
Ở hướng khác, công tác thoái vốn theo đánh giá của ông Đặng Quyết Tiến cũng "rất chậm." Theo quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp trong quyết định trên. Trong những tháng đầu năm 2019, chưa có doanh nghiệp trong danh sách thực hiện thoái vốn.
Với quá trình này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng doanh nghiệp cũng có phần lúng túng nhất là với các đơn vị có dự án thua lỗ. Ông đơn cử trường hợp Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Tổng công ty Giấy Việt Nam) đã đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư mua.
Hay, Tổng công ty Thép muốn thoái vốn tại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên nhưng cần thời gian để xử lý vấn đề tranh chấp pháp lý, làm rõ sai phạm.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, đây là những vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. "Có doanh nghiệp nhà đầu tư không mặn mà, không mua, có doanh nghiệp ta có dư địa bán thì lại vướng," ông Tiến bày tỏ.
Một phần vướng khác theo ông là vấn đề đất đai. Nhiều đơn vị hiện vẫn chưa có đủ hồ sơ, chưa xác lập quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nên chưa thể thực hiện thoái vốn.
Nói về giải pháp, vị lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ./.