Các địa phương dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại do cơn bão số 3

Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão số 3 với tinh thần ở mức cao nhất.

Cây đổ trên phố Tân Mai (quận Hoàng Mai) được lực lượng chức năng dọn dẹp, thu gom. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Cây đổ trên phố Tân Mai (quận Hoàng Mai) được lực lượng chức năng dọn dẹp, thu gom. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Để ứng phó với bão số 3, nhiều địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất không để thiệt hại về người và tài sản.

Đảm bảo cung ứng điện năng, nhu yếu phẩm cho người dân

Chiều 6/9, Thành ủy Hà Nội ban hành Điện hỏa tốc về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố.

Thường trực Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của thành phố tăng cường thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3; đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.

ttxvn_cay do 6.jpg
Cây đổ trên phố Tân Mai (quận Hoàng Mai) được lực lượng chức năng dọn dẹp, thu gom. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra; tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là...

Đặc biệt, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố, các quận ủy, huyện kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, phải huy động tối đa đảm bảo có điện cao nhất và khắc phục sự cố nhanh nhất, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra; đặc biệt đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ và đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất...

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước, Công viên Cây xanh Hà Nội, Chiếu sáng và thiết bị đô thị cần ứng trực 100% nhân lực, thiết bị theo phương án phòng, chống thiên tai, xử lý úng ngập nội đô, khu vực nông nghiệp, hỗ trợ xử lý úng ngập các quận, huyện giáp ranh.

Các đơn vị lưu ý kiểm tra tất cả trạm bơm do Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; hạ mực nước các hồ chứa về mức tối thiểu nhất. Nếu trường hợp bị ngập úng sâu thì phải ưu tiên chống ngập cho các trạm bơm trước (đảm bảo 100% trạm bơm có điện).

Các sở, ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn công trình xây dựng đang thi công và nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, bệnh viện, nhất là những nơi ven sông và các vị trí xung yếu khác; đồng thời có biện pháp hiệu quả để phòng chống úng ngập khu đô thị; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa các cây có nguy cơ gẫy, đổ, ứng phó mưa to, gió lớn; xây dựng phương án kịp thời và kiên quyết sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3...

Đáng chú ý, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an bảo đảm an ninh, trật tự; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với tinh thần ở mức cao nhất.

Đặc biệt, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tại huyện Bát Xát, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở tại thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan. Hiện, khu vực này đã xuất hiện những vết nứt lớn, có nguy cơ cao sạt lở, đe dọa đến sự an toàn của 10 hộ dân.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Bát Xát khẩn trương có phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đến các khu vực an toàn, chủ động phương châm “4 tại chỗ," đồng thời ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng, ổn định đời sống cho người dân.

Đến kiểm tra hồ thải quặng đuôi tại Nhà máy Tuyển đồng Sin Quyền, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đơn vị chủ động các phương án đảm bảo an toàn hồ đập theo tinh thần lấy phòng là chính, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào trong mùa mưa lũ.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Sở Công Thương và Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Thắng đi thực địa kiểm tra kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, bãi thải tại các đơn vị sản xuất công nghiệp ở Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng), gồm: Bãi thải Phosphogypsum độc hại (gyps), hồ điều hòa của Công ty Cổ phần DAP số 2; bãi thải quặng đuôi, hồ chứa của Nhà máy Tuyển apatit Tằng Loỏng; bãi thải gyps, hồ chứa của Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang-Lào Cai.

Qua kiểm tra, các đơn vị trên đều quan tâm xây dựng quy trình quản lý, vận hành hồ chứa và có phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời với mọi tình huống thời tiết xấu gây ra.

Để ứng phó với cơn bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố của Lào Cai đã chủ động các phương án phòng, chống mưa lũ xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm “4 tại chỗ."

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn được yêu cầu tổ chức ứng trực 24/24 giờ và chỉ đạo, triển khai phòng ngừa, ứng phó với cơn bão số 3 ở mức cao nhất, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Đảm bảo an toàn đê điều

Theo đồn Biên phòng Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), đơn vị đã sẵn sàng các lực lượng, phương tiện xử trí các tình huống ứng phó với bão số 3.

Đặc biệt, 8 giờ ngày 6/9, đơn vị đã bắn 6 quả pháo hiệu đỏ cảnh báo bão, triển khai các tổ kiểm soát tại các tuyến đường từ đê Bình Minh 2 ra Cồn Nổi, huyện Kim Sơn.

Ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Sơn cho biết đến nay, 119 tàu thuyền/267 thuyền viên, 218 lều chòi/347 lao động, 42 bè luồng/2 tàu gỗ/4 lao động đang neo thả từ đoạn đối diện Cống C2 đê Bình Minh 4 đến đầu Lạch Nghẽn đã vào bờ an toàn.

ttxvn_bao so 3 ninh binh.jpg
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Mai Văn Tuất kiểm tra phương án đảm bảo an toàn sự cố sạt lở mái đê Hữu đáy phía đồng trên địa bàn xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Địa phương đã triển khai 16 chốt kiểm soát, không để người dân đi ra ngoài đê biển Bình Minh 2 kể từ 7 giờ 30 phút ngày 6/9 đến khi bão tan.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn đang tiếp tục rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn; chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng cứu; tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, các trọng điểm xung yếu; triển khai đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để tiến hành tuần tra, canh gác, hộ đê...

Ủy ban Nhân dân huyện Kim Sơn đã đề nghị các xã tăng cường tuyên truyền, sử dụng phương tiện lưu động để người dân nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của bão số 3; khẩn trương di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm đến các địa điểm tránh trú bão an toàn. Trường hợp cần thiết, lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế.

Là huyện trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là tình trạng lũ, lụt khi mưa lớn kéo dài, đến thời điểm này, huyện Nho Quan đã chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó với bão số 3.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông qua các ngầm, tràn, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.

Các đơn vị chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Ủy ban Nhân dân các xã thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Đặc biệt, Điện lực Nho Quan đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ điện phục vụ tiêu úng, sản xuất và sinh hoạt…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục