Các địa phương có doanh thu du lịch, lượng khách cao nhất Việt Nam năm 2024

Liên tiếp nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh luôn là những địa phương giữ vị trí top đầu về doanh thu và lượng khách đến nhờ chiến lược xúc tiến quảng bá, sản phẩm độc đáo...

Du khách Hàn Quốc trải nghiệm không gian tranh Đông Hồ được tổ chức ở Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Du khách Hàn Quốc trải nghiệm không gian tranh Đông Hồ được tổ chức ở Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh lần lượt là 3 tỉnh, thành phố đạt doanh thu top đầu cả nước cùng lượng khách du lịch tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024. Để có kết quả này là nỗ lực của toàn ngành du lịch địa phương nhằm vực dậy nền công nghiệp không khói hậu đại dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về lượng khách, doanh thu và đóng góp cho ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2024, với lượng khách quốc tế ước đạt 6,1 triệu lượt (tăng 20% so cùng kỳ năm 2023), khách du lịch nội địa ước đạt 38 triệu lượt (tăng 8,6%), tổng thu du lịch ước đạt 190 nghìn tỷ đồng (tăng 18,8%), cả 3 chỉ tiêu đều đạt kế hoạch năm.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đánh giá “Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một điểm sáng trong công tác phát triển du lịch, từ việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng cho đến việc quảng bá hiệu quả hình ảnh của Thành phố tới bạn bè quốc tế. Các sản phẩm du lịch như du lịch MICE, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, ẩm thực tiếp tục tạo được sự hấp dẫn và thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước; góp phần quan trọng trong việc nâng cao mức chi tiêu của du khách và kéo dài thời gian lưu trú.”

Thời gian qua, ngành du lịch Thành phố tiếp tục hoàn thiện những sản phẩm đã có, phát triển sản phẩm mới; tiếp tục đổi mới về hình thức, quy mô lẫn nội dung các sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Thành phố như Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh...; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường như Lào, Australia, Đức, Nhật Bản, Mỹ; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế uy tín trong khu vực và thế giới.

giai-nhat-dem-sai-gon-tac-gia-nguyen-dang-viet-cuong.jpg
Sài Gòn lung linh về đêm. (Ảnh: Nguyễn Đặng Việt Cường)

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2024, Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2024, Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á 2024. Sở Du lịch Thành phố cũng được WTA bình chọn là cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á 2024…

Bước sang năm 2025, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 45 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 260 nghìn tỷ đồng.

Năm “bội thu” của du lịch Thủ đô

Hà Nội đứng thứ hai trong danh sách top các địa phương đạt doanh thu du lịch cao, với tổng lượt khách đạt gần 28 triệu lượt, tổng thu đạt 110.000 tỷ đồng (tăng hơn 18% so với năm ngoái). Trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế (4,47 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 34,4% so với năm 2023 và 21,51 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 2024 là năm “bội thu” của du lịch Hà Nội khi liên tiếp được nhiều giải thưởng lớn như Tripadvisor, Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh. Là bởi Hà Nội đã xây dựng được các sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, đã hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với làng nghề, gắn với công nghiệp văn hóa.

anh-minh-hoa.jpg
Du lịch Hà Nội đem đến trải nghiệm đa dạng cho du khách. (Ảnh: TTXVN)

Du lịch Hà Nội cũng đem đến trải nghiệm đa dạng cho du khách, từ trải nghiệm 5 sao đến những trải nghiệm cuộc sống thường nhật cùng người dân bản địa, những giá trị đặc sắc từ làng quê hay “văn hóa vỉa hè” mà thế giới không có.

Nhằm phát huy lợi thế này và thu hút lượng khách đông đảo hơn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hơn nữa, gắn với thế mạnh của địa phương.

“Các sản phẩm du lịch thường có ‘vòng đời’ không quá dài nên việc xây dựng sản phẩm cần có sự nghiên cứu, đánh giá thị trường, dòng khách để tạo ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế của du khách,” Thứ trưởng lưu ý và nhấn mạnh phát triển du lịch cần theo hướng bền vững, chú trọng yếu tố môi trường. Do vậy, cần xây dựng các sản phẩm du lịch sạch, sản phẩm an toàn.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, du lịch Hà Nội sẽ chắt lọc để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc liên kết với các địa phương để tăng sức cạnh tranh cho du lịch.

tet-lang-viet-20.jpg
Du khách quốc tế trải nghiệm làm bánh chưng cổ truyền Việt Nam dưới mái nhà cổ ở Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Trong năm 2025, du lịch Thủ đô đặt mục tiêu thu hút trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024 với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú), tăng 27,3% so với ước thực hiện năm 2024 và 23 triệu lượt khách nội địa (tăng 7 % so với ước thực hiện năm 2024).

Quảng Ninh bứt phá sau bão Yagi

Ngoài hai thành phố lớn nhất nước, Quảng Ninh là cái tên thứ ba xuất hiện trong danh sách với tổng lượng khách trong năm 2024 ước đón hơn 19 triệu lượt, tổng thu đạt hơn 46.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của các CEO du lịch, đây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau cơn bão Yagi, nếu không có thiên tai, kết quả cuối năm của Quảng Ninh còn cao hơn nữa.

Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gồm cả đường cao tốc, cảng biển, sân bay, cửa khẩu, cùng hàng loạt chính sách kích cầu, liên kết mở rộng phát huy lợi thế du lịch.

Năm 2024, nhiều chương trình, sự kiện quan trọng được tổ chức tại Quảng Ninh như: Đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024, đón đoàn 4.5000 khách MICE Ấn Độ, cũng như các đoàn khách MICE lớn từ Trung Quốc và trong nước.

visual.jpg
Quảng Ninh là điểm đến ưa thích không thể bỏ quan của du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Để khắc phục những khó khăn đối với ngành du lịch, đặc biệt là hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi), Sở Du lịch đã phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, xây dựng, phát động các chương trình kích cầu du lịch. Chương trình kích cầu du lịch mùa Thu Đông năm 2024 với chủ đề “Quảng Ninh - điểm đến của bốn mùa” đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham gia với hàng ngàn gói sản phẩm ưu đãi.

Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2025 địa phương đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách, trong đó 15,5 triệu du khách nội địa và 4,5 triệu khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt 50.000 tỷ đồng./.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 950.000-1.050.000 tỷ đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Làng Cáo (Fox Village) nằm ở núi Zao, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc Nhật Bản, là nơi sinh sống của hàng trăm chú cáo. (Ảnh: Xuân Giao/TTXVN)

Làng Cáo “độc nhất vô nhị” tại Nhật Bản

Làng Cáo nằm ở núi Zao, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc Nhật Bản, thu hút đông đảo du khách nước ngoài, đặc biệt là vào mùa Đông, khi du khách có thể vừa có ngắm tuyết vừa chụp ảnh với những chú cáo.

Nhân viên đường sắt phục vụ bánh đặc sản của Hà Nội trên tàu du lịch Hà Nội-Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Thí điểm vận hành tàu du lịch Hà Nội-Thái Nguyên

Tuyến đường sắt du lịch kết nối Hà Nội-Thái Nguyên, qua nhiều ga với 4 điểm dừng là Ga Phổ Yên, Lưu Xá, Thái Nguyên và Quán Triều, với khoảng cách khoảng 80km, thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ.