Sáng 17/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh năm 2020.
Cơ hội xét tuyển đại học rộng mở
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi; cử cán bộ tham gia vào các khâu của kỳ thi như in sao đề, coi thi, chấm thi…
Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học có đề án tuyển sinh, trong đó chủ yếu sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông làm cơ sở tuyển sinh. Một số cơ sở giáo dục đại học kết hợp kết quả kỳ thi và xét tuyển học bạ cùng một số phương thức khác.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 đạt khoảng 500.000 chỉ tiêu, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Số lượng trường top trên có mức độ cạnh tranh cao, chiếm gần 10%.
[Các trường hợp được miễn thi Tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ]
Trong khi đó, đề thi đảm bảo sự phân hóa phù hợp cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện công tác tuyển sinh ổn định như năm 2019. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: “Các thí sinh hoàn toàn yên tâm tham gia kỳ thi năm 2020. Với kết quả thi tốt của các thí sinh cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác tuyển sinh của các trường, cánh cửa và cơ hội xét tuyển đại học rộng mở với tất cả các học sinh.”
Về một số trường hợp có điểm thi cao nhưng trượt xét tuyển vào nhóm trường top trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khuyến nghị, các thí sinh nên đăng ký nhiều nguyện vọng; sau đó căn cứ vào điểm thi đã biết, tận dụng cơ hội điều chỉnh 1 lần để lựa chọn các ngành, các trường phù hợp.
Bên cạnh việc xét tuyển đợt 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị trong khả năng tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học dành chỉ tiêu, cơ hội tuyển sinh trong những đợt tiếp theo cho các thí sinh có điểm thi cao trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Xây dựng “bản đồ tầm soát”
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, điểm mới nhất của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 giao trách nhiệm cho các địa phương tổ chức thi.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng có trách nhiệm chung về chỉ đạo kỳ thi, trong đó trực tiếp chỉ đạo các khâu chủ chốt của kỳ thi như ra quy chế thi; ra đề thi; quản lý phần mềm chấm thi; thanh tra, kiểm tra; tập huấn kỳ thi…
Theo nhiệm vụ được phân công, các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp vào các khâu tổ chức trong quá trình thi tại địa phương.
“Với Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, bên cạnh trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần đề cao trách nhiệm, quan tâm sâu sát đến kỳ thi,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ - đồng thời khẳng định đã xây dựng “bản đồ tầm soát” các vấn đề có thể xảy ra trong kỳ thi để kỳ thi diễn ra trung thực, khoa học và công bằng; đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp phổ thông, là căn cứ tin cậy cho công tác tuyển sinh.
Liên quan đến công tác ôn thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập phổ rộng kiến thức theo hướng toàn diện cho học sinh.
Đặc biệt, các trường đánh giá học lực của học sinh trong năm học 2019-2020 đảm bảo sự công bằng, trung thực khi thực hiện đối sánh kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với kết quả học bạ.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, với những quy chế thay đổi nguyên tắc như ở mỗi phòng thi, 2 giám thị đến từ 2 trường Trung học phổ thông khác nhau; mỗi giáo viên coi thi không quá 1 lần/phòng thi; về công tác chấm thi, 2 cán bộ ở 2 tổ độc lập chấm cùng 1 bài thi… mặc dù lượng giáo viên đại học coi thi giảm nhưng vẫn đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Đánh giá cao tính khách quan, trung thực của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan tin tưởng, sự vào cuộc sát sao, xây dựng quy trình thi chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự chủ động và tinh thần trách nhiệm của các địa phương sẽ tạo cảm giác yên tâm, thoải mái cho thí sinh tham dự kỳ thi; qua đó, đánh giá khách quan, công bằng kết quả sau 12 năm học.
Đảm bảo mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Chính phủ đã có một lộ trình, trong đó có lộ trình đổi mới kỳ thi Trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.
Trong những năm thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng nêu rõ: “So với trước năm 2015, lộ trình đổi mới đã có bước tiến rất dài. Bên cạnh những sai sót, kẽ hở, những điểm bất hợp lý qua từng năm, kỳ thi đã bớt căng thẳng, áp lực. Học sinh bớt học lệch, học tủ; cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học được mở rộng để học sinh có thể học đại học hoặc học nghề, phù hợp với nguyện vọng và năng lực”.
Phó Thủ tướng nêu rõ, với Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đòi hỏi kỳ thi bớt tính “đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hóa và độ tin cậy để các trường đại học tham khảo tuyển sinh. Bên cạnh đó, để đảm bảo phù hợp với lộ trình đổi mới thi, song song với tinh thần chống dịch bệnh, địa phương thực hiện giao khâu tổ chức thi.
Trước sự quan tâm của dư luận về tính khách quan, trung thực, công bằng của kỳ thi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trên tinh thần cuộc họp, dự kiến, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo cụ thể, trên tinh thần Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chung về kỳ thi, trực tiếp chỉ đạo các khâu thuộc trách nhiệm của bộ, trong đó chú trọng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, Phó Thủ tướng nêu rõ việc giao trách nhiệm cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn; thực hiện đúng, nghiêm các quy định của Bộ đã đề ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng: “Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ đáp ứng được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực cho học sinh và xã hội.”
Phó Thủ tướng cho biết thêm, năm 2020 là năm cuối thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, việc thực hiện thành công góp phần tạo niềm tin, tạo đà tiếp tục thực hiện khâu đổi mới khác trong giáo dục và đào tạo trong thời gian tới./.