Các địa phương chạy đua chủ động phòng chống siêu bão

Mặc dù bão Haiyan đang dịch chuyển dần về phía Bắc nhưng chính quyền và người dân Quảng Bình và Nghệ An vẫn rất cảnh giác đối phó với bão.
Các địa phương chạy đua chủ động phòng chống siêu bão ảnh 1Tàu thuyền của ngư dân Nghệ An cập cảng Cửa Hội. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Mặc dù bão Haiyan đang dịch chuyển dần về phía Bắc, quét dọc ven biển Bắc Trung bộ và tâm mưa sẽ dồn vào đồng bằng và Đông Bắc bộ nhưng trước diễn biến phức tạp của bão, chính quyền và người dân Quảng Bình vẫn rất cảnh giác, không chủ quan lơ là và luôn theo dõi sát diễn biến, tình hình của bão để có phương án phòng, tránh kịp thời.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, sáng 10/11, tỉnh Quảng Bình trời bắt đầu có mưa nhỏ rải rác.

Tại xã biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch, những con sóng cao quá đầu người và những đợt gió mạnh liên tục khiến nhiều người dân lo lắng.

Tại âu cá sông Gianh và nhiều âu, cảng cá khác của tỉnh Quảng Bình, toàn bộ tàu thuyền đã vào neo đậu và được ngư dân chằng chống an toàn.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết, đến 17 giờ ngày 9/11, 100% tàu thuyền và các thuyền viên đã vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn.

Đề phòng khi bão đổ bộ có thể gây lũ, lụt, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương di dời các hộ dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở và chia cắt đến những nơi an toàn. Hiện tỉnh Quảng Bình đã di dời trên 16.000 hộ dân với gần 69.000 nhân khẩu.

Còn tại Nghệ An, sáng 10/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã họp triển khai các phương án phòng chống cơn bão Haiyan dự kiến sẽ đổ bộ vào địa phương tối 10/11 và sáng 11/11.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các ngành, địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả các công điện của Trung ương và của tỉnh về phòng chống bão.

Các địa phương cần tích cực tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bão cho người dân biết để chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, đồng thời nhanh chóng sơ tán dân cư vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, hạ du các hồ chứa; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng bị chia cắt dài ngày.

Tất cả các phương án phòng chống lụt bão phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 10/11.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An, các địa phương trong tỉnh đã di dời, sơ tán trên 13.000 hộ dân với 46.674 nhân khẩu đến nơi tránh, trú bão.

Hiện trên địa bàn tỉnh, ngoài số tàu thuyền đánh cá của tỉnh, còn có 55 tàu thuyền đánh cá của ngư dân các tỉnh với 420 lao động neo đậu tránh, trú bão./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục