Các địa phương cần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để hạn chế rủi ro

Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp quen giao thương với Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, không theo quy định thương mại quốc tế nên sẽ xảy ra nhiều rủi ro, hoặc bị ùn tắc, dừng nhập khẩu.
Các địa phương cần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để hạn chế rủi ro ảnh 1Xe tập kết chờ xuất khẩu hàng hóa hóa sang Trung Quốc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Để phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, nhất là việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Đặc biệt, các địa phương phải chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch nhằm hạn chế tối đa rủi ro từ thị trường đến hoạt động xuất khẩu.

Lý giải nguyên nhân thời gian qua Trung Quốc liên tục có những thông báo về việc tạm dừng thông quan tại một số cửa khẩu với Việt Nam, gây ùn tắc một lượng lớn nông sản tại khu vực này, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách "Zero COVID" và đang là quốc gia duy nhất tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên bao bì các loại nông sản thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài.

Bởi vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tăng cường việc kiểm soát hàng hóa tại các cửa khẩu. Nếu phát hiện hàng hóa có virus sẽ tự động tạm dừng thông quan với chủng loại mặt hàng đó trong vòng 1 tuần và cứ thế nếu đến lần thứ 4 sẽ tạm dừng trong 1 tháng.

Ngoài ra, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch bởi xu hướng ăn 'xổi' của một số doanh nghiệp qua các cửa khẩu phụ như Tân Thanh, Cốc Nam hay các cặp chợ biên giới mới có hiện tượng ùn tắc. Bởi, thực tế tại các cặp cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị và xuất khẩu theo đường chính ngạch chưa bao giờ có tình trạng tạm dừng nhập khẩu.

Cũng theo đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, từ đầu năm 2022 tới, Trung Quốc sẽ áp dụng Lệnh số 248 về việc ban hành "Quy định về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Lệnh số 249 về việc ban hành các "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" của Hải quan Trung Quốc.

Đây không phải quy định mới mà là những yêu cầu phù hợp với xu thế của cả thế giới mà ngay cả Việt Nam cũng đang áp dụng. Hơn nữa, những quy định này đều phù hợp với vị thế của một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới về nguồn gốc xuất xứ và được cung cấp bởi doanh nghiệp uy tín, chất lượng.

[Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi để xuất khẩu nông sản qua biên giới]

Hầu hết những điều này đều đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo và phát đi cảnh báo từ nhiều năm trước. Vì vậy, muốn xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp buộc phải thay đổi mới có thể tiếp tục đẩy mạnh giao thương.

Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc giống như một cái chợ, quen giao thương theo đường tiểu ngạch, nhưng đó hoàn toàn không phải là thương mại quốc tế. Bởi trong quan hệ thương mại quốc tế, muốn bền vững, hai doanh nghiệp buộc phải được liên kết bằng việc ký hợp đồng, có giao kèo kèm điều kiện thanh toán, thời điểm giao hàng, điều kiện quản lý chất lượng.

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên đăng tải các thông tin về sự thay đổi của thị trường lên Cổng thông tin của Bộ cũng như xuất bản nhiều cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về các thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc và có cả một hệ thống thương vụ, chi nhánh thương vụ tại 4 địa phương gồm Bắc Kinh, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông cùng hai văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và Hàng Châu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ các bộ, ngành, doanh nghiệp phải có sự thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Hơn nữa, địa phương khu vực biên giới cần chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục