Theo thống kê, Tiền Giang hiện có 185 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt và 17 di tích quốc gia gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, sự kiện văn hóa lịch sử được đưa vào khai thác, phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống cách mạng địa phương.
Nổi bật là các di tích lịch sử Rạch Gầm-Xoài Mút, di tích chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy); Lăng mộ và đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lăng Hoàng Gia - nơi an nghỉ và thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thân phụ Đức Hoàng Thái hậu Từ Dũ tại thành phố Gò Công; đền thờ Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo); chùa Vĩnh Tràng (thành phố Mỹ Tho); đình Long Hưng - nơi ghi dấu Khởi nghĩa Nam kỳ tại Tiền Giang; di tích khảo cổ Óc Eo-Gò Thành (Chợ Gạo)...
Đặc biệt, các địa điểm Khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định ở tỉnh Tiền Giang, gồm: Mộ và đền thờ Trương Định (thành phố Gò Công); đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông), ao Dinh (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông); lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông)… đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, những nơi này đang được đưa vào khai thác, phát triển du lịch, trở thành những điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong các tour du lịch sinh thái miệt vườn.
Địa phương coi trọng phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trong nỗ lực đánh thức tiềm năng và thế mạnh du lịch theo hướng bền vững, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, thúc đẩy du lịch của tỉnh tăng trưởng bền vững.
Để phát huy tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử tại địa phương, Tiền Giang đang có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch tỉnh; quan tâm khai thác tốt các tour mới để thu hút du khách; hoạt động hợp tác liên kết ngày càng được mở rộng và thiết thực hơn.
Để phát huy tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử tại địa phương, Tiền Giang đang có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch tỉnh; quan tâm khai thác tốt các tour mới để thu hút du khách; hoạt động hợp tác liên kết ngày càng được mở rộng và thiết thực hơn.
Các doanh nghiệp lữ hành đã chủ động xây dựng tour, tuyến và mở rộng thị trường du lịch giữa Tiền Giang với các vùng, miền trong cả nước.
Công tác xúc tiến, quảng bá trên các trang thông tin điện tử được Tiền Giang quan tâm.
Tỉnh phối hợp các sở, ngành có liên quan tổ chức các khóa tập huấn, chương trình tuyên truyền phát triển du lịch cho người dân tại cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), cù lao Rồng, Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) và các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường, văn minh du lịch, thu hút du khách.
Việc phát triển sản phẩm mới, hấp dẫn luôn được tỉnh chú trọng theo hướng gắn kết các loại hình du lịch đặc thù địa phương như: các tour du lịch sông nước miệt vườn, du lịch biển, tham quan các di tích lịch sử-văn hóa, các làng nghề truyền thống, thưởng thức trái cây đặc sản vùng miền, ẩm thực phương Nam, nghe Đờn ca tài tử…
Đồng thời, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour, tuyến du lịch hợp lý, khoa học, tạo thuận lợi nhất cho du khách trong, ngoài nước đến tham quan tại Tiền Giang; liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.
Mặt khác, nhằm đáp ứng nhu cầu cho du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Tiền Giang, tỉnh chú trọng kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, tạo tiện nghi tốt nhất phục vụ du khách cũng như nhu cầu mua sắm, vui chơi, sinh hoạt trong thời gian lưu lại ở địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 327 cơ sở lưu trú, với tổng số 5.532 phòng đủ điều kiện phục vụ lưu trú du lịch; 69 đơn vị kinh doanh lữ hành; 560 phương tiện vận chuyển khách du lịch (tàu thủy du lịch). Trong đó có 288 tàu vận chuyển du lịch, 270 đò chèo và 2 ca nô; trên 300 hướng dẫn viên du lịch; 46 khu/điểm tham quan; 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.
Nhờ vậy, chỉ tính trong 8 tháng của năm 2024, toàn tỉnh thu hút trên 1 triệu lượt du khách, tăng 18,8% so với cùng kỳ và đạt 60,7% kế hoạch cả năm. Tổng doanh thu du lịch đạt 664 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ và đạt trên 53% kế hoạch cả năm.
Chỉ riêng trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, toàn tỉnh đón trên 50.000 lượt du khách trong và ngoài nước, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, Tiền Giang phấn đấu đón 1,65 triệu lượt du khách, doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch của tỉnh đạt 1.250 tỷ đồng./.
Tiền Giang: Di tích Quốc gia Đặc biệt các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định
Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định ở tỉnh Tiền Giang gồm Mộ và Đền thờ Trương Định; địa danh Đám lá tối trời, Ao Dinh, Lũy Pháo Đài đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt.