Lý do các đề xuất tăng thuế luôn bị phản ứng dữ dội?

Các đề xuất tăng thuế bị phản ứng dữ dội: Tất cả vì thiếu minh bạch?

Lý do người dân luôn phản ứng dữ dội với mọi đề xuất tăng thuế theo chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính bởi mọi người ít được giải thích và cảm thấy thiếu công bằng.
Các đề xuất tăng thuế bị phản ứng dữ dội: Tất cả vì thiếu minh bạch? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đặt ra vấn đề: Vì sao người dân luôn phản ứng dữ dội với mọi đề xuất tăng thuế, chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, lý do bởi mọi người ít được giải thích tăng thuế thì người dân được gì.

Điều này được ông Cường nói tại hội thảo công bố báo cáo kết quả nghiên cứu báo cáo công bằng thuế Việt Nam năm 2017 sáng 25/5 tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Oxfam tổ chức.

Chi nhiều, thu nhiều mà người dân không biết

Theo ông Cường, về nguyên tắc, tăng thuế là để phục vụ người dân nhưng thực tế, tất cả đề xuất lại bị phản ứng mạnh. Điều quan trọng theo ông là vì sự minh bạch trong sử dụng ngân sách không cao. Ông khẳng định, nếu người dân thấy được lợi ích thì mọi người sẽ sẵn sàng.

[Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt: Giảm ưu đãi thuế và thuê đất]

Vị chuyên gia này lấy ví dụ về thực tế, quyết toán ngân sách của các địa phương và các cơ quan Trung ương được công bố rất chậm, có khi sau 6-7 năm.

“Về bản chất, không ai thích tăng thuế, nhưng vì sao các nước vẫn tăng thuế được, vì họ giải trình rõ ràng,” ông Cường nói.

Ông Vũ Sỹ Cường, nêu quan điểm, nếu người dân thấy được lợi ích của việc tăng thuế thì có thể mọi người sẽ sẵn sàng.

“Ví dụ với đánh thuế bất động sản, nếu mọi người chấp nhận đóng thêm 1 triệu đồng và không phải đóng tiền xây dựng trường lớp cho con thì có thể mọi người sẽ đồng ý,” vị này nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhắc lại, vấn đề nằm ở sự giao tiếp giữa Nhà nước và người dân.

“Không thể chi nhiều, thu nhiều mà người dân không biết gì,” vị viện trưởng VEPR nêu quan điểm.

Bởi vậy, vấn đề gốc rễ theo ông Thành là phải có sự minh bạch cả thu và chi ngân sách.

Góp ý thêm, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, một vấn đề khiến người dân không đồng tình tăng thuế vì mọi người cảm thấy không công bằng.

Ông chỉ ra thực tế, “doanh nghiệp có quan hệ thì nộp ít hơn doanh nghiệp khác” nên nhiều người nộp thuế không sẵn sàng để thực hiện nghĩa vụ.

Ông dẫn báo cáo của của VCCI năm 2017 cho thấy, năm 58% doanh nghiệp được hỏi năm 2015 nói rằng, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục vẫn diễn ra thường xuyên. Tỷ lệ này một năm sau đó, năm 2016 lên tới 65%.

Ưu đãi thuế: Được, mất chưa rõ ràng?

Cũng về sự minh bạch, theo ông Vũ Sỹ Cường, số liệu về khoản thu ngân sách bị hao hụt do ưu đãi thuế không được thống kê và công bố chính thức. Danh sách các công ty được miễn giảm thuế cũng chưa bao giờ được tập hợp.

Ông dẫn con số lần đầu công bố về vấn đề này Bộ Tài chính vào năm 2016. Theo đó, số thất thu thuế do các ưu đãi thuế (bao gồm cả phí, lệ phí và tiền thuê mặt đất và mặt nước) là 64.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với 5,8% tổng thu ngân sách .

Tuy nhiên, cụ thể hơn, ông Cường lấy ví dụ thẳng thắn về việc Samsung vào Việt Nam. Một trong những lợi ích theo ông rõ ràng là đem lại việc làm cho người dân nhưng nếu quy thành tiền thì bao nhiêu và ngược lại việc miễn thuế cho công ty này thì Việt Nam mất bao nhiêu.

Vấn đề theo ông là chưa có những báo cáo đánh giá xem Việt Nam được lợi gì và mất gì.

Kể câu chuyện về ưu đãi thuế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Phụng nhớ lại những năm 1990, Việt Nam từng trải thảm đỏ với doanh nghiệp ngoại tới mức “giấy phép đầu tư của doanh nghiệp ghi rõ thuế suất là bao nhiêu.”

Ví dụ như với những đơn vị lớn như Melia, Hilton, mức thuế ngày đó chỉ khoảng 19% trong khi các doanh nghiệp trong nước đang chịu mức thuế tới 32%.

Có dự án theo ông còn được ưu đãi thuế suốt đời nên hiện tại cơ quan chức năng đang phải gánh chịu hệ lụy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục