Các Đại sứ Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ vừa cùng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran chừng nào Tehran tiếp tục tuân thủ nội dung thỏa thuận được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) này.
Phát biểu tại cuộc thảo luận của Hội đồng Đại Tây Dương ngày 25/9, Đại sứ EU tại thủ đô Washington, David O'Sullivan khẳng định liên minh này nhất trí rằng việc hủy bỏ thỏa thuận JCPOA sẽ là "một tổn thất lớn."
Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig cho rằng bất kỳ quốc gia nào chủ trương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đều nên cân nhắc tới "những vấn đề lớn hơn," trong đó có nguy cơ Iran sẽ nối lại chương trình làm giàu uranium, mối đe dọa về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại một khu vực bất ổn, cũng như ảnh hưởng nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Cũng theo Đại sứ Đức, hành động rút khỏi thỏa thuận này sẽ gửi đi tín hiệu tới nhiều quốc gia như Triều Tiên rằng con đường ngoại giao là "không đáng tin cậy" và rằng "không thể tin tưởng ở các thỏa thuận ngoại giao."
[Iran kiên quyết không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử]
Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Mỹ, Kim Darroch trích dẫn tuyên bố của Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở New York hồi tuần trước, khẳng định London luôn ủng hộ thỏa thuận JCPOA với điều kiện Iran tiếp tục tuân thủ các điều khoản trong đó.
Về phần mình, Đại sứ Pháp Gerard Araud dẫn lại tuyên bố của các nước khác ký thỏa thuận JCPOA - gồm Nga, Trung Quốc và Iran, về lập trường "không ủng hộ tái đàm phán."
Các đại sứ trên cũng nhấn mạnh nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, họ sẽ làm tất cả để bảo vệ các công ty hoạt động tại châu Âu tiếp tục hợp tác kinh doanh với Iran tránh khỏi các biện báp trừng phạt do Mỹ tái áp đặt.
Hiện Tổng thống Trump đang cân nhắc xem thỏa thuận JCPOA có đảm bảo các lợi ích an ninh của Mỹ trong bối cảnh chưa đầy 1 tháng nữa (ngày 16/10 tới), ông sẽ phải đưa ra đánh giá cuối cùng về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận này hay không.
Nếu hết thời hạn trên, ông chưa đưa ra tuyên bố của mình, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định có hay không việc tiếp tục tái áp đặt các biện pháp trừng phạt vốn đã được đình chỉ trước đó theo JCPOA. Điều này cũng sẽ cho phép Quốc hội Mỹ được quyền quyết định rút khỏi hay tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran./.