Hơn 250 triệu euro (khoảng 380 triệu USD) là khoản tiền mà 5 tập đoàn dầu khí niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán và các tổ chức thương mại đại diện cho những hãng này đã chi từ năm 2010 để vận động hành lang giới chức Liên minh châu Âu (EU), qua đó tác động đến chính sách khí hậu của châu lục này.
Đây là kết quả trong báo cáo do các tổ chức hoạt động vì môi trường như Corporate Europe Observatory, Food & Water Europe, Friends of the Earth Europe, và Greenpeace EU thực hiện. Báo cáo, được công bố ngày 23/10, dựa trên những tuyên bố chính thức của các công ty và dữ liệu của Transparency Register -một hệ thống dữ liệu công khai về hoạt động vận động hành lang của EU.
Cụ thể, các tập đoàn dầu khí lớn như BP, Chevron, ExxonMobil, Shell và Total, cùng các tổ chức thương mại đại diện cho các hãng này, đã có ít nhất 327 cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu kể từ năm 2014, thời điểm ông Jean-Claude Juncker đảm nhận chức chủ tịch cơ quan này.
Tính trung bình, tần suất các cuộc tiếp xúc giữa đại diện các hãng trên với giới chức châu Âu là 1 tuần/một lần. 5 tập đoàn này khẳng định không có sự xung đột về lợi ích trong các cuộc gặp với các nhà hoạch định chính sách của EU.
Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động môi trường cho rằng số tiền mà các công ty này bỏ ra để tiếp cận với giới chức EU cho thấy họ tìm cách gây ảnh hưởng đến chính sách về khí hậu và năng lượng của liên minh, vốn thúc đẩy mạnh mẽ các hành động chống biến đối khí hậu trong nhiều năm qua.
BP, Chevron, ExxonMobil, Shell và Total đã tuyên bố chi 123,3 triệu euro để vận động hành lang giới chức châu Âu trong khoảng năm 2010-2018. Trong khi đó, các tổ chức đại diện cho 5 tập đoàn này cũng chi 128 triệu euro trong khoảng thời gian trên.
Hồi tháng 4, tổ chức giám sát Global Witness tính toán các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt lớn đã lên kế hoạch chi 4.500 tỷ euro (khoảng 5.000 tỷ USD) đến năm 2030 cho các hoạt động khai thác mới, một con số cho thấy "sự khác biệt" với các kế hoạch giảm khí phát thải trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Theo dữ liệu công khai của tập đoàn Total (Pháp), hãng này đã chi khoảng 1,75 triệu - gần 2 triệu euro hồi năm ngoái để vận động hành lang giới chức châu Âu. Đây là khoản chi tiêu mà Total cho là "chi đều đặn trong nhiều năm qua."
Theo các tổ chức hoạt động vì môi trường, cần xây dựng "bức tường lửa" để bảo vệ các chính trị gia EU trong quan hệ với các tập đoàn khai thác năng lượng hóa thạch để tránh các xung đột lợi ích. Giới chuyên gia cho rằng làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc phải từ bỏ các mỏ dữ trự năng lượng hóa thạch và điều này không "tương thích" với kế hoạch tăng sản lượng khai thác của các tập đoàn dầu khí trong vòng 1 hoặc 2 thập kỷ tới.
Các tổ chức hoạt động vì môi trường quan ngại rằng với lượng khí phát thải toàn cầu tiếp tục tăng theo từng năm và các nước châu Âu vẫn thúc đẩy các dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt quy mô lớn. Điều này cũng có nghĩa các nước này không thể hạn chế khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch, và mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khó có thể đạt được./.